Nguồn: baodautu.vn
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp chật vật
Với thị phần gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới, song ngành xuất khẩu điều của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, tạm dừng hoạt động.
Nguyên nhân do nhiều năm nay, giá nhập khẩu điều thô luôn ở mức quá cao so với giá điều nhân xuất khẩu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), 70% nguồn nguyên liệu điều thô hiện nay phụ thuộc vào nhập khẩu với áp lực giá cao do nhiều loại phí, thuế xuất khẩu, quy định mức giá bán tối thiểu, chính sách bảo hộ sâu… từ các quốc gia xuất khẩu điều thô. Năm 2023, Việt Nam đã nhập gần 2,77 triệu tấn hạt điều, với kim ngạch ước đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng tới 46,2% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với năm trước đó.
Ông Trần Vũ, đại diện AgroCorp nêu thực tế: “Ngành điều thu về khoảng 3,4 tỷ USD, thì đã mất 2,8 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu. Thêm vào đó là các chi phí, chênh lệch khác, lợi nhuận bị giảm đi rất nhiều”.
Tương tự, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cho biết, hiện các nhà nhập khẩu và sản xuất điều tại Việt Nam vẫn bị động về giá mua nguyên liệu, cũng như giá bán xuất khẩu điều nhân ra nước ngoài từ các đối tác.
Doanh nghiệp không thể kiểm soát diễn biến cung cầu thị trường điều thô, điều nhân, thường xuyên loay hoay trong tình trạng mất cân đối giữa giá mua thô và giá bán nhân, phải chấp nhận sự bất ổn và rủi ro trong hiệu quả sản xuất cũng như biên lợi nhuận kinh doanh.
Bên cạnh đó, còn thiếu sự đồng lòng giữa các nhà nhập khẩu điều thô và sản xuất điều nhân tại Việt Nam để xây dựng mặt bằng giá nhân xuất khẩu, dẫn đến tình trạng mặc dù Việt Nam đóng góp phần lớn tỷ trọng xuất khẩu điều nhân trên thế giới, nhưng vẫn không quyết định được giá nhân xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS nhấn mạnh, chính sự tăng trưởng “nóng” của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó giá nhân điều giảm sâu.
Câu chuyện tương tự về chi phí sản xuất cao chót vót cũng diễn ra ở nhiều ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản khác. Điển hình như với ngành cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tiền thức ăn chiếm 70-80% chi phí sản xuất nguyên liệu, bình quân mỗi năm tăng 10-15% và hiện nay đã tăng 30-40% so với thời điểm trước Covid-19. Một trong những nguyên nhân chính do giá nhập khẩu đậu tương sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Với ngành hàng tôm, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp; chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cũng neo ở mức cao.
Chủ động hạ giá thành
Trước thực tiễn cam go của ngành xuất khẩu điều hiện nay, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn cho rằng, muốn có lợi nhuận thì các nhà máy cần cắt giảm công suất chế biến xuống còn 60-70% so với công suất thiết kế, qua đó giảm lượng điều nguyên liệu mua vào.
Khi từng nhà máy và cả ngành điều Việt Nam giảm mua điều nguyên liệu, sẽ tạo áp lực khiến các nhà cung cấp điều nguyên liệu phải tìm cách hạ giá bán. “Doanh nghiệp cần đồng lòng để mua được điều nguyên liệu với giá hợp lý, nếu không, dù kinh doanh thuận lợi đến mấy thì doanh nghiệp cũng không đạt hiệu quả kinh doanh do giá nguyên liệu bị đẩy lên cao”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 chia sẻ, trong bối cảnh giá điều nguyên liệu cao và biến động như hiện nay, doanh nghiệp của ông sẽ áp dụng chính sách mua nguyên liệu theo nhiều đợt giá.
“Đầu vụ, khi giá nguyên liệu cao quá, thì dứt khoát không mua. Đến khi giá rơi vào điểm hòa vốn thì tôi sẽ mua 30%, đến điểm có lãi một chút, tôi sẽ mua thêm 30% và khi mà giá nguyên liệu rơi vào điểm có lãi tốt hơn thì tôi sẽ mua nốt phần còn lại. Phải phân bổ nguồn tiền để mua được giá bình quân tốt nhất”, ông Huyên nói.
Trong khi đó, với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP dự báo, chi phí lớn và tăng cao của thức ăn vẫn là thách thức chính của ngành nuôi tôm và cá tra trong năm 2024. Trước bối cảnh này, VASEP kiến nghị giảm thuế nhập khẩu bã đậu tương để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm.
Được biết, tháng 12/2023, Chính phủ đã có Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh về việc mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế nhập khẩu.