Nguồn: Vietnamnet.vn
Không còn là điều xa vời, rừng Việt Nam đã thu được hàng nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon vào cuối năm 2023. Mới đây, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đến tháng 8 này Việt Nam sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải. Trước đó, Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả 10 USD/tín chỉ carbon từ lúa.
Ngoài lúa, ở các tỉnh ĐBSCL, trồng dừa cũng là thế mạnh. Đáng chú ý, không chỉ trái dừa mà từ thân tới lá, hoa… đều được sử dụng để làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau. Thậm chí, người dân còn có thể khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa.
Trung bình 1ha dừa lưu giữ 25-75 tấn CO2
Tại Sokfarm (Nông nghiệp hạnh phúc) của vợ chồng Thạch Thị Chal Thi và Phạm Đình Ngãi, cây dừa hữu cơ được trồng để lấy mật. Từ mật hoa dừa có thể làm ra các sản phẩm như: nước tương, dấm mật, đường mật, mật hoa dừa lên men, hạt ca cao và mật hoa dừa…
Xét về giá trị kinh tế, anh Phạm Đình Ngãi cho biết, một chùm hoa dừa đạt năng suất thường đậu khoảng một chục trái dừa, giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng. Nếu khai thác mật, mỗi chùm hoa dừa sẽ cho khoảng 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Như vậy, chỉ cần có 20 gốc dừa, một hộ nông dân có thể thu được 6 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, Sokfarm đã có gần 50 hộ liên kết trồng dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để lấy mật hoa.
Theo chị Thạch Thị Chal Thi, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, dừa là cây trồng chịu được hạn mặn ở ĐBSCL. Thế nên, Sokfarm đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ liên kết được với 500 nông hộ và tiến tới liên kết với 1.000 nông hộ vào năm 2035.