Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không chỉ sầu riêng, Trung Quốc, Lào cũng đang tranh giành loại 'vàng trên cây' này của Việt Nam: Thu hơn 8 triệu USD trong 3 tháng đầu năm, có bao nhiêu mua bấy nhiêu
16 | 04 | 2024
Trung Quốc đang "bao tiêu" đến 88% sản lượng mặt hàng này của Việt Nam, trong khi Lào là 7%.

Nguồn: Soha.vn

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt trong tháng 3 đạt 1.523 tấn với trị giá 4,2 triệu USD, tăng mạnh 72,3% so với tháng 2/2024. Trong đó riêng Trung Quốc nhập khẩu đến 1.339 tấn, chiếm gần 88% sản lượng và Lào với 106 tấn, chiếm 7%.

Lũy kế hết tháng 3, nước ta xuất khẩu được 3.141 tấn ớt với tổng kim ngạch đạt 8,1 triệu USD, tăng 17,6% về lượng và tăng mạnh 52,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.610 USD/tấn, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính với 2.753 tấn và 259 tấn, chiếm gần 96% tổng lượng xuất khẩu.

Theo khảo sát vào thời điểm trước thềm Tết nguyên đán, giá ớt tại vườn đang dao động 38.000-40.000 một kg. Riêng với loại tuyển chọn xuất khẩu có giá từ 60.000-65.000 đồng/kg, ớt loại 2 là 58.000-60.000 đồng, ớt chợ từ 55.000-58.000 đồng. 

Mức này đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Nguyên nhân là bởi nhu cầu tiêu thụ ớt ở các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá tăng. Với giá bán như hiện nay, người dân có thể thu về từ 200 - 300 triệu đồng/ha (chưa trừ các chi phí).

Số liệu từ Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, diện tích trồng đạt khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.



Báo cáo phân tích thị trường