Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Soán ngôi Thái Lan, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào Trung Quốc
08 | 04 | 2024
Trung Quốc đã nhập khẩu 161 triệu USD sầu riêng tươi từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, trong khi con số này từ Thái Lan chỉ là 120,3 triệu USD.

Nguồn: Vietnambiz.vn 

Việt Nam dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm với trị giá 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số một về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng lên mức 57% từ mức 32% của năm 2023.

Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ hai nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ.

Ngoài hai nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng thị phần khá nhỏ chỉ khoảng 1% (2,2 triệu USD).

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Trong 2 tháng đầu năm nay, giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt bình quân 4.916 USD/tấn, thấp hơn so với mức giá 6.133 USD/tấn của Thái Lan, nhưng cao hơn so với 3.075 USD/tấn của Philippines.   

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.

Đây là những yếu tố đã giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.  

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc 

Mới đây, tờ South China Morning Post cho hay cuộc cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lên ở Trung Quốc, thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới, vì sản lượng sầu riêng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng tới 10% vào năm 2030 và người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều loại sầu riêng hơn với giá thành rẻ hơn.

Ngoài Việt Nam và Thái Lan, hiện Philippines và Malaysia đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) Trung Quốc hiện chiếm đến 95% thị phần sầu riêng thế giới.

Người tiêu dùng Trung Quốc coi sầu riêng là món ăn cao cấp và thường xuyên tặng chúng trong những dịp đặc biệt. Một quả sầu riêng có thể được bán với giá từ 100 đến 200 nhân dân tệ (khoảng 14 đến 28 USD).

Tuy nhiên, năng lực sản xuất và sản lượng sầu riêng của nước này kém phát triển so với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng khác nhau sẽ mở ra thị trường cho các loại sầu riêng mới, đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 46% trong giai đoạn từ năm 2019 -2023. Chỉ riêng năm 2023, Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 6,7 tỷ USD để nhập khẩu loại trái cây nhiệt đới này, tăng 65,6% so với năm 2022 và tăng 318,5% so với năm 2019.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Sầu riêng đông lạnh sẽ giúp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 110.000 ha trồng sầu riêng, cho sản lượng gần 850.000 tấn mỗi năm, tập trung nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên, sau đó đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sầu riêng là trái cây có sản lượng tăng mạnh nhất trong quý I năm nay khi tăng tới 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 108,1 nghìn tấn.  

Để đẩy nhanh quá trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương rà soát vùng trồng, cơ sở chế biến.

Trước đó, sầu riêng tươi đã được cấp phép xuất khẩu xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022 và nhanh chóng trở thành trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt kỷ lục 2,2 tỷ USD, tăng 5,3 lần so với năm 2022.

Tiếp đà tăng trưởng này, xuất khẩu sầu riêng trong 2 tháng đầu năm 2024 mang về 172 triệu USD, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với 92% thị phần, Thái Lan thứ hai với hơn 6%.

Về cơ cấu mặt hàng, sầu riêng tươi đang chiếm tới 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là sầu riêng đông lạnh chiếm 7,6% tỷ trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang mở rộng xuất khẩu các sản phẩm sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng...

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Tại trong nước, giá sầu riêng thời gian qua có xu hướng tăng và hiện đang ở mức khá cao. Tính đến ngày 2/4, giá sầu riêng Ri6 hàng đẹp dao động cao nhất là 136.000 đồng/kg, tăng 36% so với cuối năm ngoái. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất là 212.000 đồng/kg, tăng gần 40%.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song để xuất khẩu trái sầu riêng tăng trưởng bền vững thì vấn đề chất lượng vẫn là yếu tố cần lưu ý trong thời gian tới.

Vụ Kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GACC) vừa cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Các lô hàng này thuộc 18 doanh nghiệp, bị phía Trung Quốc phát hiện vi phạm từ tháng 6/2023 đến tháng 1 năm nay.

Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các bên điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom. Đồng thời, Cục cũng đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm.



Báo cáo phân tích thị trường