Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 20%, xuống 1,47 triệu tấn
28 | 05 | 2024
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20%, xuống 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm, điều này gây áp lực lên nguồn cung Robusta thế giới

Theo congthuong.vn

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 73 USD/tấn, ở mức 3.892 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 67 USD/tấn, ở mức 3.806 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 2,6 cent/lb, ở mức 218,25 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 2,55 cent/lb, ở mức 217,35 cent/lb.

Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 374 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 tăng 11,65 cent. Giá cà phê nội địa thêm trung bình 11.000 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định thị trường cà phê nhanh chóng lấy lại đà tăng với Robusta tăng 10,6%, Arabica tăng 5,6%. Nguồn cung kém tích cực tại các quốc gia sản xuất chính đang gây tâm lý lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại.

Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ 2024 lần thứ 2, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil CONAB nâng dự sản lượng phê Robusta lên 58,8 triệu bao, tăng nhẹ so với mức 58,1 triệu bao trước đó.

Tuy vậy, CONAB hạ dự báo sản lượng cà phê Robusta của quốc gia này 600.000 bao, xuống còn 16,7 triệu bao trong báo cáo mới nhất.

Ngoài ra, thông tin từ nông dân Brazil cho biết, hoạt động thu hoạch cà phê Arabica của họ đang diễn ra khá chậm chạp và kích thước quả nhỏ có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.

Đà tăng của cà phê tuần trước được đánh giá đến từ nhiều nguồn. Trong đó có thông tin từ nhà giao dịch Volcafe cho biết, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/25 của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao, thấp nhất trong 13 năm. Do lượng mưa kém ở Việt Nam đã gây ra “thiệt hại không thể khắc phục”.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển tăng cao đã cấy vào giá bán các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, một số chuyên gia chỉ ra rằng, việc Liên minh châu Âu sắp áp dụng các quy định về chống phá rừng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, bao gồm cả cà phê, cũng là yếu tố thúc đẩy giá cà phê tăng lên khi một phần diện tích cà phê đáng kể trên thế giới có nguồn gốc từ việc phá rừng.

Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia cho rằng đà tăng vẫn còn trong bối cảnh giá cước vận tải biển chưa thể "hạ nhiệt". Tuy vậy để khó quay về mức đỉnh kỷ lục trước đây là 135.000 đồng/kg.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước (25/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng thêm 1.500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 114.500 – 116.000 đồng/kg. So với 1 tuần trước đó, giá cà phê nội địa đã tăng mạnh khoảng 12.000 đồng/kg.

Tính chung cả tuần vừa qua, mặc dù chịu áp lực giảm vào ngày cuối tuần, giá cà phê trong nước vẫn tăng thêm trung bình gần 10% tương ứng 11.000 đồng/kg. So với mức đỉnh giá cao kỷ lục gần 140.000 đồng/kg được thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua, thì mặt bằng giá hiện tại đang chỉ còn thấp hơn khoảng 15%.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán.

Thông tin này đã đẩy giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa Việt Nam tăng vọt chưa từng có chỉ trong vài ngày. Việt Nam được xếp hạng là nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới và là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất. Nhưng nhiều nông dân trong nước đang chuyển sang trồng sầu riêng, làm giảm diện tích trồng cà phê, giảm nguồn cung.

Cà phê phát triển tốt nhất ở vùng nhiệt đới và nỗ lực chống nạn phá rừng ngày càng tăng khiến việc tìm đất mới để trồng cà phê ngày càng khó khăn.

Xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung ngày càng khan hiếm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán ở Đông Nam Á.

Tại Đắk Nông, tỉnh này có khoảng 142.000 ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên (sau 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Trong nhiều năm qua, khi giá cà phê ở mức thấp không tương xứng với công đầu tư, chăm sóc nên nhiều nông dân dần chuyển sang những cây có giá trị cao hơn. Năm nay, giá cà phê ở mức cao kỷ lục sẽ là cơ hội thúc đẩy nông dân tiếp tục đầu tư chăm sóc, khôi phục lại diện tích cây trồng này.

 

 



Ngọc Hân
Báo cáo phân tích thị trường