Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp xuất khẩu điều “đứng ngồi không yên” vì thiếu nguyên liệu
03 | 07 | 2024
Thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu điều lại “đứng ngồi không yên” vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Nguồn: vtv.vn

Xuất khẩu điều gặp khó

Mỗi năm, Việt Nam chế biến 3,5 - 4 triệu tấn hạt điều thông qua hình thức mua nguyên liệu thô chế biến thành nhân để xuất khẩu. Điều đáng nói là 90% nguồn nguyên liệu này là nhập khẩu, dẫn đến bị động về nguồn nguyên liệu. Thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu điều lại "đứng ngồi không yên" vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Đứt gãy chuỗi sản xuất nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành điều.

Công ty SVS cho biết, do thiếu trầm trọng nguyên liệu, doanh nghiệp đã giảm công suất hoạt động tới 60%. Nếu tình trạng này kéo dài đến tháng 8, buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Đây cũng là tình trạng chung của ngành điều trong hơn 1 tháng nay.

"Bắt buộc thời điểm này là phải cắt giảm lại sản xuất, cắt giảm lại lực lượng lao động, giữ lại các lao động chính để duy trì hợp đồng", ông Kiều Quốc Thạnh - Giám đốc Công ty SVS cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu điều “đứng ngồi không yên” vì thiếu nguyên liệu - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, 70% nhà máy sản xuất theo hướng mua nguyên liệu thô về chế biến thành nhân điều xuất khẩu đã bị giảm công suất hoạt động.

Hệ lụy của tình trạng thiếu nguyên liệu là doanh nghiệp phải đối mặt với việc xuống cấp về chất lượng, kể cả khi đã mua điều nguyên liệu với giá cao.

Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát cho biết: "Chất lượng giảm xuống dẫn đến cũng thiếu một phần nào đó thì ngay lúc này chúng tôi đang phải mua thêm vào, chấp nhận mua thêm giá cao để bù cho những cái đã ký hợp đồng".

"Tình hình giảm sút nghiêm trọng như vậy thì nguyên liệu đưa vào sản xuất các nhà máy sẽ đứt gãy. Đây là khó khăn rất là nghiêm trọng, không phải xảy ra quý này, mà cuối quý III, đầu quý IV, thậm chí quý I/2025", ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định.

Khi đối tác, chủ yếu là phía châu Phi, ngừng hợp đồng thì doanh nghiệp trong nước đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu nguyên liệu và buộc phải sản xuất cầm chừng và đồng loạt ngừng sản xuất. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, 70% nhà máy sản xuất theo hướng mua nguyên liệu thô về chế biến thành nhân điều xuất khẩu đã bị giảm công suất hoạt động.

Giải pháp xuất khẩu điều bền vững

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, do phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến không phải là điều hiếm gặp với ngành xuất khẩu điều tại Việt Nam. Điều này cũng đang đặt ra thách thức cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành điều trong năm 2024. Tìm giải pháp để phát triển bền vững cũng là một trong những ưu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu điều trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài xuất khẩu điều nhân mỗi tháng khoảng 2.000 tấn, doanh nghiệp Long Sơn vừa mở rộng nhà máy lên gấp đôi để thực hiện chế biến sâu, gia tăng giá trị cho hạt điều. Nhờ vậy, đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng điều rang chiên, tẩm gia vị, đóng gói nhỏ tăng gần gấp đôi năm trước. Uớc tổng doanh thu năm nay khoảng 10 triệu USD.

Ông Vũ Tháo Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Long Sơn cho biết: "Bán cho các nhà rang chiên, các siêu thị thì họ đòi hỏi chất lượng rất cao. Chúng tôi tiếp tục nhập khẩu thêm máy móc công nghệ cao để làm ra các sản phẩm không bị lỗi".

Doanh nghiệp xuất khẩu điều “đứng ngồi không yên” vì thiếu nguyên liệu - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng.

Còn doanh nghiệp Gia Bảo thì chọn giải pháp liên kết với nông dân để trồng mới nhiều giống điều cho năng xuất cao ngay tại Việt Nam. Đây cũng là cơ sở giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu.

"Phải theo cái dự án này bởi vì dự án này tôi nghĩ sẽ đạt được một dấu chấm phá cho ngành điều. Làm sao để mình tự phải chủ động được từ nông trại đến bàn ăn, tôi nghĩ giải phải quyết được 3 thứ: Thứ nhất là phải là farm, thứ hai là Factoty và thứ ba Food. Để có một dòng thực phẩm tốt, hữu cơ và có giá trị gia tăng cao phải chủ động được khâu vùng trồng nguyên liệu", ông Trần Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo cho hay.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu nông sản, trong đó có hạt điều chế biến sâu của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sẽ được giảm thuế xuống bằng 0% nếu có sự đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị.

Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết: "Nhà máy rang chiên các loại hạt chúng tôi đã hoàn thành. Tuy nhiên còn đang phải chờ đợi một số máy nhập khẩu từ nước ngoài về mới vận hành được 100%".

Việc các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ, không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, nâng giá trị gia tăng mà còn là lối ra giúp cho ngành hàng này phát triển bền vững.



Báo cáo phân tích thị trường