Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều DN điều sẽ lại phải ngừng sản xuất
20 | 09 | 2008
Lượng điều tồn kho không nhiều, các DN điều đặc biệt là DN nhỏ manh mún sẽ phải dừng sản xuất trong khi sắp đến mùa lễ hội ở Nhật Bản và mùa Noel.
Năm 2008 được coi là một năm bất thường của ngành xuất khẩu điều Việt Nam. Những khó khăn chung của nền kinh tế cùng với cách làm ăn manh mún “có truyền thống” đã khiến nhiều DN nhỏ đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động trong năm tới.

Lịch sử lặp lại

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2008 là một năm đầy khó khăn đối với ngành điều Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng đến 40%, tiền lương tăng 35%, nguồn vốn vay tín dụng hạn chế, lãi suất lại ở mức ngất ngưỡng 17-20%/năm…

Đáng nói là, trong khi giá điều nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì giá xuất khẩu nhân điều lại giảm đạt thấp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin Thương mại - Bộ Công Thương, bình quân 8 tháng đầu năm, điều Việt Nam chỉ xuất được ở giá 5.400USD/tấn, điều loại W320 bán trong tháng 8/2008 chỉ đạt 3,05USD/Lb (cân Anh) FOB HCM, thấp hơn nhiều so với tháng 4 (3,20 USD/Lb) và thấp hơn 3-5 cent/Lb so với điều Ấn Độ.

Theo Vinacas, lý do khiên giá điều xuất khẩu giảm sâu trong tháng 7, tháng 8, ngoài những yếu tố khách quan do nền kinh tế thế giới tác động, còn có nguyên nhân bị ép giá từ khách hàng. Lãi suất cao, thời gian đáo hạn gần kề là một điển yếu của DN xuất khẩu điều Việt Nam mà các khách hàng nắm được.

Do vậy, DN xuất khẩu điều Việt Nam bị ép giá đến mức phải chào giá thấp, thậm chí có lô hàng phải bán tương đương giá thành.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện nay, nếu bán với giá 2,9 USD/Lb là cầm chắc phần lỗ. Thế nhưng, do lo sợ điều xuống giá, khó khăn về tài chính, một số DN nhỏ thậm chí chỉ chào bán với giá 2,8 USD/Lb.

Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến bối cảnh của chính ngành điều thời điểm năm 1999, khi nhiều yếu tố trong lịch sử được lặp lại tương tự.

Ông Hồ Ngọc Cầm, chủ một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều cho biết, diễn biến của ngành điều đã được ông dự báo trước. Do vậy, DN của ông khá bình tĩnh bởi biết chắc tới đây sẽ thiếu điều cho xuất khẩu. Khi đó, giá sẽ lên.

Thế nhưng, không mấy DN giữ được bình tĩnh khi lãi suất vay tín dụng cao chót vót và ngày đáo hạn lại gần kề. Và việc bán tháo điều, thậm chí bán hàng ngay trên biển là câu chuyện có thật của ngành điều.

“Chúng ta đừng tự hào sản lượng của ta vượt Ấn Độ, bởi sản lượng cao hơn nhưng thị trường hẹp hơn và giá trị xuất khẩu thấp hơn. Và đó là điều ngành điều cần tính toán lại” - ông Cầm nhấn mạnh.

Thông tin từ các DN trong ngành cho biết, không ít DN trong ngành, nhất là các DN quy mô nhỏ đang ngắc ngoải. Đáng nói là phần đông DN đang tham gia chế biến, xuất khẩu điều tại Việt Nam là DN quy mô nhỏ.

Nguy cơ ngồi chơi xơi nước

Khó khăn chồng chất khiến nhiều DN trong ngành chật vật. Thế nhưng, theo ông Vũ Thái Sơn, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Vinacas, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, một phần khó khăn là do một số DN làm ăn không đàng hoàng đưa đến.

Giá bán thấp, không ít DN đã xuất đi những lô hàng kém chất lượng, tỷ lệ hạt gãy, bể nhiều, tạp chất cao và mùi vị không đảm bảo… Điều này cũng được ông Lê Anh Tuấn- PGĐ Công ty giám định cà phê và nông sản Cafecontrol xác nhận.

Việc bán giá rẻ cũng là nguyên nhân kéo giá các hợp đồng được giá mà DN đã ký trước đó. Bởi lẽ, không ai có thể đảm bảo rằng giá thị trường đang rẻ, mà khách hàng vẫn chấp nhận nhập hàng với giá cao, dù rằng hợp đồng đã ký kết.

Ngoài việc… tự giết mình bằng giá rẻ, một số DN cũng xuất hàng rất chậm, lùi thời hạn giao hàng hoặc thậm chí không giao hàng cho khách. Tất cả những điều đó khiến khách hàng phàn nàn, thậm chí đòi khiếu kiện.

Nhận định về tình hình thị trường trong thời gian tới, các chủ DN đều cho rằng thời gian tới Việt Nam sẽ thiếu nguyên liệu điều xuất khẩu. Bởi lẽ, phải đến tháng 3 mới vào vụ điều mới.

Trong khi đó, hiện nay lượng điều tồn trong dân và tại các nhà máy (không kể nguyện liệu nhận gia công) chỉ còn khoảng 100.000 tấn. So với quy mô trên 200 nhà máy tham gia chế biến điều xuất khẩu, năng lực chế biến hiện ở mức 600.000 - 700.000 tấn/năm trên cả nước, số điều tồn đang có thật sự không đáp ứng được.

Như vậy, từ đây đến cuối năm, không ít DN nhỏ sẽ phải ngừng vì không vay được vốn và vì khách hàng mất lòng tin..

Trong khi đó, tháng 10 trở đi là cao điểm xuất khẩu điều phục vụ mùa Tết dương lịch và Noel. Và cơ hội lại rơi vào Ấn Độ, Brazil bởi đó là mùa thu hoạch điều của các nước này.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thái Học- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, dư chấn của đợt khó khăn này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2009, thậm chí kéo dài sang năm 2010.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường