Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đông Nam Bộ: Hết thời cây điều?
18 | 09 | 2008
Hàng trăm hecta điều đã bị nông dân đốn hạ chỉ vì... mất mùa và rớt giá. Trong khi đó, cao su đang được “ưu ái” để lựa chọn thay cho cây điều vì “vàng trắng” đang ngày một lên ngôi.
“Thủ phủ” điều đang chết!

“Thủ phủ” điều với hơn 500 ha ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương những ngày này hiu hắt, ảm đạm đến không ngờ. Người trồng điều nơi đây đang đốn hạ hàng trăm hecta điều không chút thương tiếc với một lý do đơn giản “điều hết thời vàng son”.

Xã Hội Nghĩa của huyện Tân Uyên trước đây “nhà nhà, người người” trồng điều thì nay chỉ còn lác đác vài gốc điều nằm xơ xác chờ ngày... Khai tử.

Ông La Văn Mực ở ấp 3, xã Hội Nghĩa chỉ tay ra vườn điều rộng 6.000 m2 của mình vừa bị đốn hạ, nói: “Tôi vừa mới chặt chúng vì mùa vừa rồi 6.000m2 điều nhưng thu không được 50kg. Vì vậy lần này diện tích này sẽ được thay thế bằng cây cao su”.

Tình trạng mất mùa thời gian qua đã khiến gia đình ông Mực và nhiều người dân nơi đây không còn mặn mà với loại cây hái ra tiền một thời. Theo ông Mực, hiện giá điều chỉ có 7.000 đồng/kg, chỉ bằng ½ so với trước đây.

Anh Lê Văn Lóng ở ấp 3 cũng đốn hạ 1,6 ha vườn điều và đầu tư trồng mới 100% cho cây cao su.

Theo anh Lóng, trước đây, toàn xã này thu nhập chủ yếu nhờ cây điều. Nhưng bây giờ, thì điều đã hết thời và nhường chỗ cho cây cao su đang lên ngôi.

Để có diện tích trồng mới cao su, anh Lóng đã không ngần ngại chặt 300 cây điều để bán gỗ với giá 70.000 đồng/cây.

Trên con đường vào huyện Tân Uyên, nhà nhà chất đầy gỗ cây điều vừa được đốn hạ. Ông Nguyễn Văn Nguyên – cán bộ xã Hội Nghĩa cho biết, trước đây xã có trên 200 ha điều thì nay gần như bị “xóa sổ” và nhường hoàn toàn cho cây cao su. Tại “thủ phủ” cây điều của cả nước là tỉnh Bình Phước tình trạng cũng diễn ra tương tự.

Nếu như trước đây Bình Phước có tổng diện tích lên tới trên 171.000 ha, hàng năm cung ứng hơn 154.000 tấn điều thô tương đương khoảng 44% sản lượng cả nước cho chế biến xuất khẩu, nhưng đến tháng 7/2008, diện tích vườn điều đã bị thu hẹp hơn 1/3. Tại Đồng Nai, những khu vườn điều cũng hoang tàn, xơ xác!

Bao giờ cây điều trở lại “vàng son”?

Không chỉ vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Nam Trung Bộ cũng ồ ạt chặt điều không kém.

Ông Nguyễn Đức Thanh – Quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, cây điều là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD (năm 2008 khoảng 850 triệu USD), nhưng đầu tư cho cây điều chưa tương xứng.

Trong tương lai cần phải vực dậy năng suất điều từ 1 tấn/ha hiện nay lên 3 – 4 tấn/ha trong tương lai. Để làm được điều này, ông Thanh cho biết: Vinacas đã đề xuất với Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp cho cây điều từ 50 – 60 tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động như: giao nhiệm vụ cho 3 trung tâm nghiên cứu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, tiến tới thành lập Viện nghiên cứu cây Điều Việt Nam chuyên lo giống, canh tác, kỹ thuật cao.

Đồng thời cấp thêm kinh phí các địa phương tăng cường công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật và đầu tư xây dựng tiêu chuẩn, vùng nguyên liệu GAP (tiêu chuẩn về an toàn, an toàn cho người sản xuất và môi trường) kết hợp với nuôi trồng các cây con khác để nâng cao giá trị kinh tế cho cây điều.

Ông Thanh cũng cho rằng, thực tế cho thấy hiệu quả của cây điều đang quá thấp. Hiện 1 ha nông dân chỉ thu được cả vốn lẫn lời khoảng 10 triệu đồng. Trong khi cây cao su thì có giá cao gấp nhiều lần nên nông dân chặt phá điều là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn cũng nên xem lại vấn đề quy hoạch, đặc biệt là cây điều. Tránh trường hợp “trồng phá” và quy hoạch điều trồng ở những nơi không hợp lý, dẫn đến điều mang lại hiệu quả thấp.

Diện tích điều bị thu hẹp đã đành, niên vụ 2008 điều mất mùa, giảm sản lượng khoảng 300.000 tấn khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ xuất khẩu hạt điều lo sốt vó.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp nhập khoảng 150.000 tấn điều từ Campuchia và Nam Phi, tuy nhiên họ phải chịu giá cao. Điển hình là giá nhập khẩu điều thô từ Tây Phi cuối tháng 5/2008 lên tới 900 USD/tấn và đầu tháng 6/2008 lên đến 1.300 USD/tấn.

Trong khi so với đầu tháng 5 chỉ có 820 USD/tấn, nhưng chất lượng nhân điều ở đây không cao so với Việt Nam.



Nguồn: tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường