Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng nhanh của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực DN dân doanh cũng không ngừng lớn mạnh, đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều DN dân doanh vẫn loay hoay với bài toán thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…
Từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều loại nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng giá, lãi suất ngân hàng tăng cao cùng với việc thắt chặt các khoản cho vay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Ông Đường Đức Hoá - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Châu, chuyên sản xuất các loại đồ gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cho biết: “công ty đã đầu tư xong nhà máy ở Khu công nghiệp Quang Minh, tỉnh Vĩnh Phúc, ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài rồi, nhưng không vay được vốn từ ngân hàng để nhập dây chuyền máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chúng tôi, vì theo kế hoạch, nhà máy đi vào hoạt động sẽ đem lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng/năm”.
Năm 2007, kết quả điều tra 6.700 DN tư nhân (điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, gần 40% DN khi trả lời câu hỏi “vấn đề gì là khó khăn lớn nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương” đều cho rằng, đó là các vấn đề liên quan đến vốn. Cụ thể là: khó tiếp cận nguồn vốn do thủ tục cho vay còn phức tạp, lãi suất quá cao, thời hạn vay ngắn, luôn cần có tài sản thế chấp khi vay vốn và việc định giá tài sản thế chấp chưa hợp lý. Bên cạnh đó là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng…
Trong số 6.700 DN được hỏi, đến hơn 76% vay vốn thời hạn từ 12 tháng trở xuống. Việc các DN tư nhân hiện nay chủ yếu vay vốn ngắn hạn để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh hàng ngày mà chưa vay vốn dài hạn và trung hạn cho mục tiêu đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm tăng năng lực cạnh tranh là xu hướng rất đáng lưu ý. Bà Nguyễn Thị Hậu - Phó giám đốc Công ty TNHH Cường Hậu, trăn trở: “Để có thể làm được những mặt hàng tinh xảo và chất lượng cao hơn những mặt hàng hiện nay công ty đang sản xuất thì đòi hỏi phải có dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại hơn. Nhưng chúng tôi thiếu vốn, vay ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, mà cũng không bao giờ vay được hết giá trị tài sản của mình. Điều này rất khó khăn cho các DN vừa và nhỏ như chúng tôi”.
Điều tra của VCCI cũng cho thấy, có tới gần 92% số DN đang vay vốn phải thế chấp tài sản, trong đó gần 80% phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này có nghĩa, những DN nhỏ, không có nhiều tài sản, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần như không có cơ hội tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng. Đây là thực trạng đáng buồn nếu so với hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao của một số tổng công ty, tập đoàn Nhà nước. Lãi suất và các điều kiện cho vay đối với DN tư nhân cũng luôn khó khăn hơn so với DN Nhà nước. Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - nhận định, trên thực tế, khả năng tiếp cận vốn của DN khu vực này mới chỉ được khoảng 30%. Ông phân tích: “DN dân doanh, vốn tự có thì không có, muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thì những điều kiện để đáp ứng cũng không được. Tham gia thị trường dài hạn thì làm gì có cổ phần, cổ phiếu mà tham gia. Tiếp cận với các nguồn vốn bên ngoài thì toàn là cho vay nặng lãi, làm sao vay được?”. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một nguyên nhân chủ quan từ phía DN dân doanh, đó là vẫn chưa tạo đủ uy tín kinh doanh, minh bạch về hệ thống sổ sách tài chính để ngân hàng cho vay vốn không cần thế chấp.