Việc giảm trọng lượng hoặc thể tích trên đơn vị sản phẩm để giữ giá cố định (thực chất là tăng giá) được các công ty cung cấp hàng hoá gọi là “điều chỉnh giá”.
Chất tẩy rửa, thực phẩm giảm trọng lượng nhiều nhất
Gần 100 sản phẩm nằm trong nhóm hàng tiêu dùng thường xuyên hàng ngày đã có sự thay đổi giá theo cách mới: giảm trọng lượng hoặc thể tích. Với hình thức này, người tiêu dùng khi mua sắm sẽ thấy giá cả không tăng, còn nếu có chỉ nhích thêm chút ít, nên họ sẽ chọn mua ngay khi so thấy những sản phẩm khác cùng loại đã tăng giá 20 - 30%.
Bột giặt, kem đánh răng, sữa tắm, xà bông tắm và nước rửa chén là bốn nhóm hàng có sự “điều chỉnh giá” rõ rệt nhất thời gian qua. Cụ thể, bột giặt Viso chanh 3kg/bao (39.000đ) giảm trọng lượng xuống còn 2,4kg/bao (40.000đ), loại 4,5kg/bao (57.000đ) giảm trọng lượng xuống còn 3,8kg/bao (63.000đ).
Sản phẩm nước rửa chén lẽ ra phải tăng giá đến 20%, nhưng nhà sản xuất đã chọn cách giảm trọng lượng 0,5kg/bình và chỉ tăng giá khoảng 10%. Ở kem đánh răng, việc thay đổi trọng lượng bằng cách giảm 10g/tuýp kem và tăng giá bán thêm có 1.000đ/tuýp đã khiến khách hàng gần như không nhận ra, bởi kích cỡ vỏ hộp và hình thức bao bì bên ngoài gần như không thay đổi. Nhiều loại xà bông tắm được nhà sản xuất giảm trọng lượng 10 – 30g/cục hoặc 20ml/chai và giữ cho giá bán lẻ không thay đổi để giữ sức mua.
Ở nhóm hàng thực phẩm, các loại thực phẩm đóng gói bị giảm trọng lượng như khô bò, khô nai, khô mực, bánh quế, ô mai, xí muội… đa phần là sản phẩm do các cơ sở sản xuất nhỏ cung cấp. Riêng sữa, các loại sản phẩm bao bì nhựa, sữa “xá” lại giữ nguyên trọng lượng, còn hàng của các hãng lớn lại giảm khoảng 50 – 100g/hộp lớn hoặc 10g/hũ sữa chua. Ước tính, mức giảm ở khoảng 10% so với trọng lượng trước đây.
Giúp người tiêu dùng tiết kiệm?
Một doanh nghiệp cho biết việc tăng giá bằng cách giảm trọng lượng đã được các nhà sản xuất đưa ra dựa trên nghiên cứu và phân tích tâm lý tiêu dùng. Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, mức chi tiêu của người tiêu dùng có giới hạn và họ chỉ có thể tiêu dùng tiết kiệm hơn chứ khó mà tiêu xài nhiều hơn. Hơn thế nữa, khi giảm trọng lượng và vẫn giữ nguyên hình thức bao bì cũ, chỉ có người tiêu dùng thường xuyên đi mua sắm và tinh ý mới phát hiện được.
Đứng từ góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark đánh giá: “Cũng là hình thức tăng giá, nhưng với các mặt hàng thực phẩm dùng thường xuyên mà chưa phải là hàng thiết yếu, thì việc giảm trọng lượng không ảnh hưởng nhiều đến sức mua như tăng giá trực tiếp. Các khách hàng mùa Euro thường thích mua các bịch khô mực, khô bò, đậu phộng về ăn khuya. Họ chấp nhận phần ăn giảm một chút hơn là phải chi thêm tiền. Từ đầu tháng đến nay, gần như không có khách mua hàng nào phản ứng về việc giảm trọng lượng này”.
Nhận xét về cách làm này, ông Mai Tấn Dũng, phụ trách kinh doanh của công ty hoá mỹ phẩm Thorakao nói: “Đó là cách làm được tính toán trên cơ sở định mức tiêu dùng bình quân của khách hàng. Hiện nay, tất cả các nhà sản xuất đều đang hướng đến việc đưa ra thị trường sản phẩm kích cỡ nhỏ, đủ cho cá nhân tiêu dùng trong khoản thời gian nhất định nhằm kích thích mua sắm thường xuyên hơn, chứ không khuyến khích việc mua chai lớn, hộp lớn để tiết kiệm chi phí bao bì như trước đây”. Ông Dũng dẫn chứng, các loại sữa rửa mặt, kem thoa mặt, nước dưỡng da... hiện nay chỉ tối đa 100ml/chai hoặc 30 – 50g/hộp. Thorakao đã sản xuất theo xu hướng này nên chỉ còn cách tăng giá bán 20 – 30%, không thể nào giảm trọng lượng thêm nữa.
Bà Thảo dự báo sắp tới sẽ có một số mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng giá theo xu hướng này. Các loại đồ hộp, mì gói, bánh kẹo, gia vị chế biến sẵn… sẽ được nhà sản xuất tính lại cho vừa đủ khẩu phần của 1 - 2 người dùng, hoặc đủ cho bữa ăn gia đình 4 người nhằm đáp ứng nhu cầu tăng giá của họ, cũng là cách để người tiêu dùng tính toán chi tiêu tiết kiệm hơn.