Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
24 | 06 | 2008
(TBKTSG) - Trong bài này, người viết muốn đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility - CSR), một khái niệm quen thuộc trong quản trị kinh doanh, nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Khi lạm phát tăng cao làm chi phí đầu vào tăng mạnh, các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng giá các mặt hàng để bảo toàn lợi nhuận. Việc này đến lượt nó lại khiến cho lạm phát trở nên trầm trọng hơn và càng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng, vì họ hiểu rằng hành động “té nước theo mưa” sẽ khiến nền kinh tế biến động hơn và chính họ là những người bị ảnh hưởng. Ngược lại các hành động vì thị trường, chấp nhận chịu lỗ trước mắt, sẽ được thị trường ghi nhận và giành được tình cảm của khách hàng.

Cũng có một số doanh nghiệp cố tình tăng giá, đầu cơ nhằm trục lợi trong bối cảnh nền kinh tế bị lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng hành vi này phải được xử lý theo pháp luật; cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ buộc nhà sản xuất phải bán theo giá quy định. Tất cả những biện pháp nêu trên hoặc là không khả thi hoặc sẽ mất nhiều thời gian để sửa luật mới thực hiện được, hoặc sẽ đi ngược lại các cam kết vị kinh tế thị trường mà Chính phủ theo đuổi.

Trong trường hợp này, việc xây dựng, thực hiện và giám sát CSR trở thành một biện pháp khả thi. Thêm vào đó, thái độ lên án, tẩy chay của toàn xã hội đối với những doanh nghiệp trục lợi từ đầu cơ sẽ hạn chế động cơ tăng giá các mặt hàng của doanh nghiệp.

Đối với các mặt hàng thiết yếu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp càng quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới tình hình kinh tế vĩ mô. Khi quan sát cuộc khủng hoảng giá gạo của thế giới, nhất là tại các thị trường kém hoàn chỉnh như Việt Nam vừa qua, một điều dễ nhận thấy là giá gạo tăng cao do hoạt động đầu cơ.

Tình hình sốt gạo ở nước ta hồi đầu tháng trước cũng có nguyên nhân từ đầu cơ, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh lương thực lớn cũng tham gia và họ chỉ chịu tung gạo ra thị trường khi có chỉ đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, cách giải quyết này cũng khiến cho nền kinh tế có “thói quen” chịu sự chi phối của các biện pháp hành chính, và đánh mất tính thị trường.

Bên cạnh cách giải quyết này, hiệp hội kinh doanh có thể xây dựng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và “trừng phạt” các doanh nghiệp vi phạm. Trong trường hợp cụ thể này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có thể lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp xuất bán gạo và đề xuất không cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo cho những doanh nghiệp đầu cơ gạo để trục lợi.

Tương tự như vậy, thay vì Chính phủ phải họp với lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty để yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá các mặt hàng thiết yếu (hồi đầu tháng 4 vừa qua), CSR có thể được thực hiện như một phương pháp nhằm tránh tăng giá các mặt hàng mà vẫn đảm bảo tính thị trường của nền kinh tế. Việc xây dựng văn hóa trách nhiệm đối với xã hội cũng như sự lên án của xã hội đối với các doanh nghiệp tăng giá phi lý có thể khiến các doanh nghiệp không hoặc chậm tăng giá.

Các doanh nghiệp có thể không lãi, hoặc thậm chí lỗ vì điều này nhưng nếu nhìn xa, khi nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn, chính việc làm này sẽ đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp, gây được thiện cảm trong lòng dân chúng, họ sẽ bán hàng và thu lợi gấp nhiều lần sau này - một lợi thế vô hình rất lớn và là một cách xây dựng thương hiệu lâu bền.

 



NGUYỄN DUY ĐẠT - Giảng viên Đại học Thương mại Hà Nội
Báo cáo phân tích thị trường