Mới đây, một số doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý cho các hãng vận tải biển nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải thanh toán cước vận chuyển và các phụ phí khác bằng USD căn cứ theo tỷ giá thị trường tự do. Giải thích cho “hành động” này, một số đại lý cho biết là để tránh nguy cơ thua lỗ.
“Chê” VND là phạm pháp
Trao đổi với VOVNews về phản ứng này của các đại lý vận tải biển, ông Cao Sỹ Kiêm – Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng, khi các đơn vị đã ký với nhau tại thời điểm thanh toán bằng VND, về mặt nguyên tắc hai bên phải chấp hành. Bên nào vi phạm thì phải bồi thường theo phán quyết của Tòa án Kinh tế.
Ngoài ra, Thông tư 77/1998/TT-BTC (hướng dẫn tỷ giá quy đổi ngoại tệ) cũng qui định rõ: “Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận cho sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính thì các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng đồng Việt Nam được quy đổi ra đơn vị tiền tệ nước ngoài theo tỷ giá mua bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”.
Nhiều đại lý thấy “sốt ruột” trước việc biến động tỷ giá trên thị trường tự do nên đã tự điều chỉnh hợp đồng. Thua lỗ do tỷ giá thời điểm ký hợp đồng và thời điểm này là phát sinh trong quá trình thực hiện. Các bên nếu chưa điều chỉnh được thì phải chấp nhận. “Bây giờ anh thấy bất lợi mà nghĩ ra cách thanh toán hợp đồng bằng USD một cách đơn phương là trái qui định của pháp luật, trừ phi đưa qua tòa án kinh tế hoặc hai bên thương lượng thì mới có thể chấp nhận được” – ông Cao Sỹ Kiêm phân tích.
Nhiều người lo ngại rằng, nếu các doanh nghiệp quá “sùng” USD trong thanh toán và tìm mọi cách “lách luật” để có thể thanh toán bằng USD thì rất dễ dẫn đến tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Pháp luật Việt Nam qui định trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn cho phép lưu hành một số ngoại tệ nhưng phải được Nhà nước qui định hoặc bằng hợp đồng. “Nếu không có qui định chặt chẽ này thì doanh nghiệp sẽ thấy USD cao giá là chạy theo USD, thấy VND cao giá thì chạy theo VND và có lúc không lấy VND hay USD mà lấy một ngoại tệ khác là phương tiện thanh toán”-ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Được biết, tất cả các quốc gia đều có chính sách tiêu đồng nội tệ của mình. Nguyên tắc các nước quản lý thị trường là ở nước nào thì chỉ tiêu tiền của nước ấy. Tất cả các luồng ngoại tệ khi chuyển vào một quốc gia đều phải chuyển sang đồng nội tệ. Nhưng việc chấp nhận cho phép một số trường hợp sử dụng thanh toán bằng USD thì phải có nguyên tắc, phải được qui định, chứ không được tùy tiện. Làm vậy sẽ khiến kinh tế đất nước hỗn loạn. Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, hiện nay Việt Nam chưa chuyển đổi được thanh toán hoàn toàn sang đồng nội tệ thì vẫn cho phép một số lĩnh vực được sử dụng USD.
Vẫn là câu chuyện tỷ giá
Theo một đại diện đại lý vận tải biển phía Nam, hiện nay hầu hết các đại lý vận tải biển gặp khó khăn về thanh toán do tỷ giá. Các hãng tàu nước ngoài tăng đơn giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, đồng thời các đơn hàng này phải thanh toán bằng USD. Trong khi đó, thanh toán ở Việt Nam, theo pháp luật, thì phải thanh toán bằng VND. Khi các đại lý thu tiền của khách hàng bằng VND thì muốn chuyển bằng USD lại phải mua USD của Ngân hàng theo tỷ giá chính thức nhưng thực tế các ngân hàng lại không có để bán. Các đại lý phải thu gom USD trên thị trường tự do với giá cao để chuyển cho hãng tàu.
Vì thế, đại diện đại lý này kiến nghị: Chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước phải sát hơn với tỷ giá thị trường tự do (tất nhiên không thể chạy theo thị trường) để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. DN Việt Nam làm đại lý cho các hãng tàu nước ngoài khi thu cước thì được hưởng phí đại lý khoảng 3% trên doanh số. Nếu tổn thất về tỷ giá hơn 3% thì doanh nghiệp sẽ lỗ chứ không thể lãi được.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, chính sách tỷ giá hiện nay là rất uyển chuyển, gần sát với thị trường và theo thị trường.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, nhân cơ hội này Việt Nam nên hướng đến việc ở Việt Nam thì phải tiêu VND. Nghĩa là tất cả các nguồn tiền vào Việt Nam phải được đổi một cách rất dễ dàng ra tiền Việt Nam. Ngược lại, khi khách hàng tiêu không hết, muốn chuyển ra USD thì cũng cần nhanh chóng chuyển ra USD. Nhiệm vụ này do các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng quốc doanh, đại lý thu đổi ngoại tệ gánh vác chứ không để người ta trả trực tiếp với khách hàng.
Còn với trường hợp của các đại lý vận tải biển, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào trường hợp đặc biệt cụ thể thì có thể có những vận dụng, nhưng không thành nguyên tắc bắt buộc. “Vì trong điều hành cũng có những yếu tố cụ thể. Khi giải quyết trường hợp cụ thể thì phải nhìn vào cái chung chứ không phải vì một trường hợp này mà thành tiền lệ, thành một nếp giải quyết mới, xóa bỏ tất cả nguyên tắc cũ” – ông Cao Sỹ Kiêm giải thích.
Như vậy, việc đòi áp tỷ giá tự do trong thanh toán của một số đại lý tàu biển là trái luật. Mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh sao cho sự chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng với tỷ giá trên thị trường tự do đừng quá xa.