Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việc cần làm ngay để cứu người nuôi cá tra và cá ba sa: Nới lỏng chính sách tiền tệ
06 | 06 | 2008
Thời điểm này, nhiều hộ nuôi cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng ngồi không yên bởi những đàn cá khoẻ mạnh, béo tròn đã qua thời kỳ thu hoạch mà vẫn quẫy đuôi, tung mình trong lồng nuôi. Doanh nghiệp không thu mua, ngân hàng không cho vay vốn đã khiến người nông dân như bị “bỏ rơi” giữa ngã ba đường.
300.000 tấn cá chờ tiêu thụ

Tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa của 8 tỉnh, thành ở ĐBSCL, nhiều giải pháp đã được bàn tới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là phải tìm cách tiêu thụ hơn 300.000 tấn cá tồn trong ao và ngân hàng phải “bơm” tiền để các hộ thoát khỏi khó khăn.

Theo báo cáo của lãnh đạo các địa phương, hàng ngàn hộ nông dân ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản do cá nuôi đã đến lứa bán nhưng doanh nghiệp không thu mua hoặc chỉ mua cầm chừng. Giá cá hiện chỉ còn 13.800 - 14.500 đồng /kg, thấp hơn giá thành 1.500- 2.000 đồng /kg. Nhiều hộ nuôi “đánh tiếng”, chấp nhận bán với giá thấp hơn giá thành và cho doanh nghiệp mua chậm trả tiền nhằm “cắt lỗ”, nhưng cũng chẳng thay đổi được tình hình. Việc kiếm tiền mua thức ăn cho cá vô cùng khó khăn vì ngân hàng thắt chặt nguồn vay. Thực tế đó khiến người nuôi cá ở ĐBSCL như “ngồi trên đống lửa”. Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Bức tranh về cá tra ở ĐBSCL hiện rất ảm đạm mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Các doanh nghiệp chế biến thiếu vốn nên không thu mua cá nguyên liệu cho nông dân. Không bán được cá, nông dân không có tiền mua thức ăn và tái sản xuất. Hiện ở Cần Thơ còn hơn 5.000 tấn cá đã quá lứa (trọng lượng hơn 1 kg /con - PV) nhưng chưa bán được”. Ông Trương Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tỉnh này còn 20.000 tấn cá nguyên liệu không ai hỏi mua! Tương tự, ở Vĩnh Long, tuy diện tích nuôi cá tra không lớn nhưng vẫn còn đến 15.000 tấn chưa tiêu thụ được... Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang lo lắng: “An Giang hiện có 69.000 tấn cá tra, cá ba sa trên 1kg có thể thu hoạch nhưng người dân chưa bán được. Doanh nghiệp không mua hoặc hạn chế mua, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, nếu cứ để mặc nhiên, chắc chắn người nuôi cá sẽ bị phá sản”.

Ước tính, lượng cá tra đã đến lứa thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được ở ĐBSCL hiện còn không dưới 120.000 tấn. Nếu tính cả lượng cá đang thả nuôi, thì từ nay đến cuối tháng 8/2008, tổng sản lượng cần tiêu thụ lên đến 300.000 tấn. Các địa phương đều khẳng định, việc thiếu vốn trầm trọng là do chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, giảm hạn mức tín dụng cho vay, giải ngân nhỏ giọt của ngân hàng. Giám đốc Công ty Agifish Ngô Phước Hậu cho biết, đầu năm 2008, Công ty được cấp hạn mức tín dụng 150 tỷ đồng nhưng đã bị cắt giảm xuống còn 80 tỷ đồng, trong khi sản lượng sản xuất lại tăng 30-40%. Thống kê của Cục Chế biến, thương mại nông - lâm - thuỷ sản và nghề nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, nhu cầu vay vốn trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, basa hiện nay khoảng 257 triệu USD, nhu cầu vay tiền đồng Việt Nam, để tiếp tục duy trì sản xuất của cả doanh nghiệp lẫn người dân đều rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân cho rằng, ngoài vốn, còn một nguyên nhân nữa gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay là một số doanh nghiệp khi chào giá tại thị trường Mỹ đã dìm giá xuống 2,6 - 2,8 USD/kg so với mức bình thường, làm cho các doanh nghiệp nhỏ và người nuôi cá thua lỗ nặng. “Đục nước béo cò”, một số doanh nghiệp còn liên kết ép giá thu mua, làm cho giá thành xuất khẩu giảm xuống còn 2,8 - 3 USD/kg so với giá chung 3,2 USD/kg hiện nay. Cách làm chộp giựt, “cò con”, mạnh ai nấy đi của một số doanh nghiệp là minh chứng rõ nét nhất cho sự thiếu liên kết và bền vững trong việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, ba sa.

Ngân hàng sẽ “bơm” tiền

Tất cả 8 địa phương nuôi cá tra, basa đều kiến nghị Chính phủ xem xét lại chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp và nông dân sản xuất, chế biến cá. Con số 1 tỷ USD xuất khẩu mà ngành cá da trơn làm ra, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng vạn nông dân và kinh tế 8 tỉnh ĐBSCL. Là mặt hàng xuất khẩu chiến lược mà bị thắt chặt tiền tệ như hiện nay là không công bằng. Ông Sơn cho rằng, chỉ có giải quyết vấn đề tín dụng thì mới ổn định được tình hình. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cam kết: “Các địa phương gửi danh sách các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần vốn mua cá cho dân để Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại xử lý ngay lập tức. Vấn đề này Ngân hàng Nhà nước sẽ làm hết sức mình”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thì khẳng định: Với giá trị kim ngạch xuất khẩu dự tính khoảng 1,2 - 1, 4 tỉ USD trong năm nay, cá tra, basa tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại để góp phần làm tăng giá trị cá tra, ba sa. Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ sớm đưa cá tra, ba sa vào danh sách nhóm mặt hàng sản xuất chiến lược để có chính sách hỗ trợ phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Từ nay đến hết tháng 8/2008 phải giải quyết đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua 300.000 tấn cá của dân đang tồn đọng. Giải pháp này giúp doanh nghiệp có tiền mua cá, dân có vốn tiếp tục phát triển sản xuất. Chúng ta sẽ ngồi lại với nhau xem việc thu mua 300.000 tấn cá còn đọng trong dân đến đâu. Với nông dân, Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị cho các ngân hàng thương mại xem xét điều kiện gia hạn nợ và cho vay mới”. Về vấn đề gian lận thương mại, Phó thủ tướng yêu cầu xử lý thật nghiêm và cần hoàn thiện cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi cá thông qua hợp đồng.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường