Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi chính sách... trượt giá
17 | 04 | 2008
Hiện nay, Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người thu nhập cao đang lạc hậu. Tuy nhiên, còn đáng lo ngại hơn khi Luật Thuế thu nhập cá nhân tháng 1.2009 mới thực hiện nhưng đến nay đã... trượt giá.

Tất cả các mức giảm trừ gia cảnh, khởi điểm chịu thuế... đều cho thấy sự bất cập giữa thu nhập chịu thuế và chi tiêu thực tế trong cơn bão giá. Điều đó khẳng định công tác dự báo yếu kém, sự bảo thủ bởi đã có quá nhiều cảnh báo về vấn đề này ngay tại thời điểm xây dựng luật. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân về Nghị định hướng dẫn luật; vì thế có nên điều chỉnh trước khi quá muộn?  

Luật... xa thực tế

Từ lâu VN đã áp dụng Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng và thuế suất 10%. Thế nhưng từ cuối năm 2007 cho đến nay, mức thu nhập trên đã bị lấn át bởi cơn bão giá và đẩy Pháp lệnh Thuế thu nhập vào tình trạng lạc hậu.

Một chuyên gia về giá Bộ Tài chính phân tích: Căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê thì từ năm 2004 (thời điểm thực hiện pháp lệnh) đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 44%.

Tuy nhiên, nếu so sánh thực tế (thời điểm tháng 5.2004 và hiện nay) thì giá xăng đã từ 6.000đ/lít tăng lên 14.500đ/lít; giá dầu từ 4.650đ/lít lên gần 14.000đ/lít; giá thịt lợn từ 25.000đ/kg lên đến 70.000đ/kg; giá gạo từ khoảng 3.000đ/kg lên đến 9.000đ/kg...

Tất cả những số liệu trên cho thấy thu nhập chịu thuế đã lạc hậu đến mức nào so với chi tiêu. Chuyên gia này bình luận: Luật luôn gắn với thực tế. Vì vậy có nên đặt vấn đề cần "thực tế hóa" quan điểm xây dựng và thi hành luật hiện nay?

Tuy nhiên "lo gần chưa qua... lo xa đã tới". Ngay tại thời điểm xây dựng Luật Thuế TNCN, đã có quá nhiều ý kiến chuyên gia phản biện rằng mức khởi điểm chịu thuế quá thấp. Đặc biệt, các mức thuế suất, giảm trừ gia cảnh... không tính đến yếu tố trượt giá.

Tuy nhiên, vừa yếu kém trong dự báo; vừa quá bảo thủ trước những ý kiến trái chiều; cơ quan xây dựng Luật Thuế vẫn khẳng định: Đã tính đến yếu tố trượt giá; thậm chí cơ quan này còn cho rằng mức tính trượt giá đã khá "sâu" và khẳng định mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng đã là  thu nhập trung bình ở mức cao tại VN.
 
Từ lập luận này, mức thuế khởi điểm 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng/người đã được "chốt". Thế nhưng đến nay, dù chưa đến thời điểm thực hiện thì Luật Thuế TNCN đã bị lạc hậu vì... trượt giá.


Có nên điều chỉnh?

Hầu hết các chuyên gia kinh tế, cán bộ và người dân đều cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh... là hết sức cần thiết. Theo TS Nguyễn Quang A thì sắc thuế đánh vào dân đều cần có được những tiêu chí là vừa đảm bảo khoan sức dân, vừa đảm bảo khả năng đóng góp; đặc biệt là phải có tính khả thi.

Đồng thuận quan điểm này, ông Tuấn Anh (Bộ Công Thương) cho biết: Luật chỉ khả thi và huy động được khả năng đóng góp của nhân dân khi mức thu nhập phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt phí và tích luỹ tối thiểu. Căn cứ vào những tiêu chí này thì sẽ thấy, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng là quá thấp.

Một lập luận nữa mà ông Tuấn Anh đưa ra là trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương giảm gánh nặng cho dân. Vì thế việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế là hành động thiết thực cho chủ trương này. TS Quang A trước đây từng cho rằng mức khởi điểm chịu thuế nên cao hơn; còn ông Tuấn Anh thì đề xuất cần điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Một điểm mới được luật gia Hữu Dung đặt vấn đề: Hiện nay, người dân và công chức sống tại các khu đô thị luôn chịu áp lực giá, phí, lệ phí, thuế... cao hơn các vùng khác. Bên cạnh đó, bản thân các điều tra xã hội học đều cho thấy Hà Nội hay TPHCM đều đã lọt vào danh sách có giá sinh hoạt đắt đỏ trong khu vực và thế giới. Luật gia này cho biết sẽ góp ý với dự thảo nghị định là nên chăng cần "phân vùng" thuế TNCN.

Điểm góp ý đặc biệt đáng lưu tâm cuối cùng là các nhóm chuyên gia cho rằng thời gian tới chưa nên áp thuế TNCN đối với chứng khoán (CK) và bất động sản (BĐS). Anh Huy Quang, một NĐT cho biết: Nhìn vào 2 thị trường èo uột, manh mún và thiếu sức sống hiện nay đã đủ thấy việc đánh thuế TNCN từ CK và BĐS sẽ bất khả thi đến mức nào. Thậm chí anh Quang còn nhận định: Nếu không sớm điều chỉnh thì việc đánh thuế TNCN có thể là yếu tố góp phần làm tê liệt 2 lĩnh vực kinh tế này.



Nguồn: Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường