Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nóng: Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
30 | 09 | 2024
Ngày 28.9, Ấn Độ chính thức bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Việc này được cho là sẽ thúc đẩy nguồn cung gạo thế giới thêm dồi dào.

Nguồn: Thanhnien.vn

Theo một văn bản do SSRicenews cung cấp, ông Santosh Kumar Sarangi, Tổng giám đốc Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, ngày 28.9, ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basamati. Tuy nhiên, kèm theo điều kiện áp giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.

Đáng chú ý, một ngày trước đó, chính phủ Ấn độ cũng giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống còn 10% với gạo basmati.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basamati của Ấn Độ được đưa ra từ tháng 7.2023. Từ thời điểm đó, giá gạo thế giới lên cơn sốt kéo dài đến hiện nay, nên việc Ấn Độ xuất khẩu trở lại sẽ giúp nguồn cung dồi dào và thị trường hạ nhiệt trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tại, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 3 USD xuống còn 562 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 556 USD/tấn và Pakistan là 532 USD/tấn.

Tính tới 1.9, lượng gạo dự trữ tại Tổng công ty Lương thực Ấn Độ đạt 32,3 triệu tấn, cao hơn 38,6% so với năm ngoái. Đây là nguyên nhân khiến chính phủ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nước này cũng đang trong vụ thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm.

Các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, việc Ấn Độ nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo sẽ tạo nguồn cung trên thị trường thế giới thêm phong phú, tuy nhiên phân khúc của gạo Ấn Độ và Việt Nam khác nhau nên tác động là không lớn. Mặt khác, hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng gạo khoảng gần 7 triệu tấn, lượng gạo còn có khả năng xuất khẩu trong những tháng cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, thị trường của hạt gạo Việt Nam là Philippines và Indonesia, Malaysia… vẫn có nhu cầu cao.

 



Báo cáo phân tích thị trường