Nguồn: thanhnien.vn
Nhiều thị trường lớn tăng nhập, gạo Việt thêm cơ hội
Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng lớn nhất của hạt gạo VN nhiều năm qua, được dự báo có thể nhập khẩu tới 4,1 triệu tấn gạo, tăng đáng kể so với con số gần 3,9 triệu tấn của năm 2023. Tuy nhiên, mới đây Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính lượng gạo nhập khẩu của nước này trong cả năm 2024 có thể đạt tới 4,5 triệu tấn. Con số này dựa vào sản lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm là 2,32 triệu tấn, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines có thể nhập đến 4,7 triệu tấn gạo, tăng 500.000 tấn so với dự báo được đưa ra hồi đầu năm. Trước đây, trung bình mỗi tháng Philippines phải nhập khẩu 350.000 tấn gạo thì nay phải tăng lên tới 400.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu. Việc Chính phủ nước này áp dụng Đạo luật 11203, cho phép tự do hóa nhập khẩu gạo và Sắc lệnh 62 giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15%, là cơ sở cho những dự báo trên.
Tại Philippines, gạo VN chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu, kế đến là Thái Lan với 10%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng gạo Philippines nhập khẩu từ VN đạt trên 1,7 triệu tấn, Thái Lan đứng thứ 2 với hơn 352.000 tấn. Chính vì vậy, việc Philippines tăng nhập khẩu gạo sẽ là cơ hội thị trường rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của VN trong những tháng cuối năm. Theo các doanh nghiệp (DN), so với các nguồn cung khác thì VN có lợi thế về địa lý nên cước phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng ngắn. Quan trọng nhất là chất lượng và giá gạo VN rất phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, nhận định: Chi phí sản xuất lúa ở Philippines khá cao nên việc tăng nhập khẩu gạo là bài toán tối ưu về mặt hiệu quả kinh tế. Và nhu cầu của họ luôn duy trì mức cao trong nhiều năm qua là điều dễ hiểu. Nếu họ có tăng sản lượng nhập khẩu thêm 500.000 tấn hay thậm chí 1 triệu tấn cũng không phải là điều gì quá bất ngờ. "Việc Philippines tăng nhập khẩu gạo rõ ràng là cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu của VN, tuy nhiên diện tích sản xuất và năng suất lúa của VN cũng đã đạt tới mức cao nhất và khó có thể gia tăng được nữa. Chính vì vậy, vấn đề về lâu dài là VN cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạt gạo để gia tăng giá trị, bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu khi không thể chạy theo số lượng", ông Có tâm huyết.
Trong khi đó, Indonesia, nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, thông báo từ đầu năm 2024 nhu cầu nhập khẩu trong năm nay lên đến 3,6 triệu tấn. Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, cho biết: Sau những gói thầu được mở liên tục từ đầu năm đến nay, lượng gạo nhập khẩu của nước này còn thiếu hụt trên 1 triệu tấn. Hiện tại do việc xuống hàng ở cảng phía Indonesia bị chậm nên chưa thể mở thêm các gói thầu mới. Tuy nhiên, vào tháng 10 tới sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực của chính phủ nước này và điều tương tự có thể cũng xảy ra với Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog). Chính vì vậy, từ nay tới thời điểm đó, có thể Bulog sẽ phải tiếp tục mở thầu để hoàn thành nhiệm vụ trước thời điểm chuyển giao. Theo thông tin không chính thức từ một số thành viên của Bulog, nhu cầu nhập khẩu ước tính có thể cao hơn con số 3,6 triệu tấn được công bố.
Ngoài các thị trường chủ chốt trên, USDA dự báo các thị trường truyền thống khác của VN như Malaysia hay Bờ Biển Ngà tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo cao trong năm 2024.
"Biến số" Ấn Độ đáng lo đến mức nào?
Đến thời điểm hiện tại là tròn 1 năm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo (20.7.2023). Là nước có lượng gạo xuất khẩu chiếm đến 40% thị phần thế giới, mỗi động thái của Ấn Độ đều có tác động đến thị trường toàn cầu.
Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro (TP.HCM), nhìn nhận: Thời gian qua, sản xuất lúa của Ấn Độ cũng tốt và tồn kho đang tăng dần. Trong khi đó, hệ thống bảo quản sau thu hoạch cũng không được tốt nên nhu cầu nối lại hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng, bên cạnh việc tạo thu nhập cho nông dân trồng lúa. Khi đó, hoạt động xuất khẩu gạo của VN ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. "Tuy nhiên, việc này cũng sẽ được phía Ấn Độ cân nhắc thận trọng để làm sao xuất được hàng mà vẫn có giá tốt. Có khả năng, quyết định sẽ được đưa ra vào thời điểm tháng 10, sau vụ thu hoạch Kharif", ông Khánh nói.
Trong khi đó, ông Phan Văn Có cũng như nhiều DN VN tin rằng, dù nhu cầu xuất khẩu là có thật nhưng Ấn Độ vẫn ưu tiên nhiều cho vấn đề an ninh lương thực nội địa cũng như các hợp đồng cấp chính phủ, nên ít nhất trong năm 2024 tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo của VN là không lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu thế giới đang cao. Mặt khác, gạo Ấn Độ không cùng phân khúc và thị trường với VN.
Bà Phan Mai Hương nhận định: "Ấn Độ là một biến số rất khó lường. Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm hay áp giá sàn xuất khẩu, thậm chí là áp thuế xuất khẩu từ 90 - 100 USD/tấn đối với gạo trắng non-basmati… Đến thời điểm này, các thông tin đều là đồn đoán và dừng ở mức đề xuất từ các bên có liên quan. Những cuộc họp của các bộ, ngành với các hiệp hội là có thật nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Mục tiêu giải phóng lượng gạo tồn kho là có, nhưng nếu nhìn trên bình diện tổng thể thì các yếu tố khiến việc kéo dài lệnh cấm hay hạn chế xuất khẩu có vẻ chiếm ưu thế".
Bà Hương phân tích thêm: Đầu tiên, lệnh cấm xuất khẩu là để bình ổn giá cả lương thực trong nước, nhưng đến thời điểm này giá gạo nội địa của Ấn Độ vẫn ở mức cao. Chính phủ Ấn Độ đang duy trì chương trình trợ cấp gạo rất lớn cho hàng trăm triệu người nghèo. Nếu lệnh cấm xuất khẩu được nối lại thì nguồn gạo này có thể bị tuồn ra để xuất khẩu, ảnh hưởng đến chương trình. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất ethanol của Ấn Độ cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm ngoái vào giai đoạn lạm phát tăng cao, Ấn Độ đã cấm dùng gạo tấm vào việc sản xuất ethanol và bị các nhà sản xuất phản ứng mạnh. Ngành này sử dụng một lượng gạo tấm rất lớn, nếu mở cửa xuất khẩu lại thì giá gạo tấm phục vụ cho ngành này có thể tăng theo. Ngoài ra gạo tấm cũng đóng vai trò quan trọng với ngành chăn nuôi của Ấn Độ.