Lúc này khách hàng nước ngoài không muốn đặt hàng vì nếu mua thì hàng sẽ đến vào dịp Giáng sinh và Năm mới. Dự báo giá gạo gạo Thái Lan sẽ tiếp tục cao sang tận năm mới do nguồn cung gạo xuất khẩu dự báo sẽ khan hiếm. Khoảng 15-20% diện tích trồng lúa ở miền Đông Bắc và miền Trung Thái Lan bị thiệt hại bởi lũ lụt.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan, Chukiart Opaswong, cảnh báo nếu đồng Baht tiếp tục tăng giá thì sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu gạo. Khi đó gạo Thái sẽ mất đi sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ước tính, xuất khẩu gạo của Thái Lan năm nay đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, năm tới xuất khẩu nông sản của Thái Lan có thể tăng trưởng mạnh do có nhiều thiên tai xảy ra trên thế giới gây thiệt hại mùa màng của nhiều nước, làm tăng nhu cầu gạo Thái trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ sang Trung Quốc có thể tăng mạnh hơn sau khi một hiệp định liên quan được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp Ấn Độ và Tổng cục Quản lý Giám sát, Kiểm tra và Kiểm dịch Chất lượng Trung Quốc trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Ấn Độ, ông Jairam Ramesh. Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng mạnh, với mức tăng kỷ lục 315%, lên đạt 83 tấn trong vụ 2005-06 so với 20 tấn vụ trước đó.
Philippine đặt mục tiêu tăng sản lượng thóc năm 2007 thêm 5% -10% so với mức 15,3 triệu tấn của năm nay. Để tăng sản lượng thóc, Bộ Nông nghiệp khuyến khích nông dân nên sử dụng lúa lai. Philippine là một nước nhập khẩu gạo lớn ở châu Á, mua tới 1,65 triệu tấn gạo trong năm nay, chủ yếu từ Việt Nam.
Indonexia sẽ không để cho giá gạo nội địa giảm bằng cách sẽ chỉ nhập khẩu gạo với khối lượng vừa đủ. Chính phủ nước này xoá bỏ lệnh cấm nhập gạo vì nạn nghèo đói ở nước này ngày càng trầm trọng. Nếu tiếp tục cấm nhập khẩu, giá gạo nội địa sẽ tăng mạnh. Chính phủ muốn duy trì giá gạo ổn định. Khi nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu, giá gạo đã tăng mạnh. Từ tháng 2/2005 đến tháng 3/2006, giá đã tăng khoảng 33%. Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ trích chính phủ Indonexia về chính sách cấm nhập khẩu gạo, và thúc giục họ cho phép nhập khẩu trở lại để làm giảm giá gạo. Hồi tháng 7, chính phủ nước này thông báo đang xem xét xoá bỏ lệnh cấm nhập gạo vì dự báo sản lượng gạo nội địa sẽ giảm do hạn hán và các yếu tố môi trường khác. Tuy nhiên, sau đó họ chỉ cho phép Cơ quan lương thực Quốc gia nhập một khối lượng nhỏ, còn tư thương vẫn chưa được nhập gạo. Việc Indonexia xoá bỏ lệnh cấm nhập sẽ có lợi cho Việt Nam và Thái Lan, những nguồn cung gạo chính.
Theo Văn phòng Nông nghiệp và Kinh tế Tài nguyên Ôxtrâylia (ABARE), sản lượng gạo nước này - sẽ thu hoạch vào mùa thu 2007 - dự báo giảm gần 90% so với mức trên 1 triệu tấn năm ngoái, chỉ đạt khoảng 126.000 tấn. Con số đó cũng sẽ chưa bằng 1/3 mức 400.000 tấn dự báo hồi tháng 10. Hầu hết sản lượng gạo Ôxtrâylia được xuất khẩu.
Pakistan đang nỗ lực phát triển những giống lúa lai mới từ những giống lúa Basmati hiện nay để tăng năng suất lúa, nhằm tăng sản lượng và xuất khẩu. Những giống lúa mới này được lai tạo từ giống lúa Trung Quốc với các giống lúa Basmati truyền thống của Pakistan, có khả năng tăng sản lượng gạo lên gấp đôi so với hiện nay, đạt khoảng 5-6 tấn/hécta, so với năng suất khoảng 3-4 tấn hiện nay của gạo Basmati. Lúa gạo là một trong những nông sản chính của Pakistan, trong đó hơn một nửa sản lượng được xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo của Pakastan năm marketing 2006/07 sẽ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó khoảng 2,9 triệu tấn sẽ được xuất khẩu. Pakistan dự kiến sẽ nằm trong số 5 nước có khối lượng xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới năm 2006/07.
Nhóm Công tác Gạo Đông Á , liên minh của những người sản xuất lúa gạo trong khu vực, mới đây cho biết, nhóm này đang theo đuổi chiến dịch vận động nhằm loại mặt hàng gạo ra khỏi danh mục hàng hoá theo chương trình tự do mậu dịch trong khu vực, vì việc tự do hoá mậu dịch gạo sẽ đẩy nhiều nông dân trồng lúa nhỏ lẻ vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có thể tước đi phương kế sinh nhai của họ. Gạo là mặt hàng nông sản rất quan trọng ở hầu hết các quốc gia đang phát triển của châu Á với 90% sản lượng gạo của thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở đây. Theo Hệ thống Thuế quan Ưu đãi có Hiệu lực Chung (CEPT) của ASEAN, đến năm 2012, hoạt động kinh doanh gạo sẽ được tự do hoá hoàn toàn trong khu vực. CEPT là một phần trong thoả thuận Khu vực Mậu dịch Tự do (AFTA) của ASEAN nhằm hướng tới giảm thuế suất và khuyến khích thương mại nội vùng. Việc loại gạo ra khỏi danh mục các mặt hàng sẽ cắt giảm thuế theo quy định về cơ chế các sản phẩm đặc biệt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ giúp cho hàng triệu nông dân trong khu vực, những người đang phải cạnh tranh bất bình đẳng với hoạt động nhập khẩu gạo không thể kiểm soát được, có cuộc sống ổn định.
Dự báo giá gạo châu Á sẽ tiếp tục vững ở mức cao trong tuần tới vì đồng Baht Thái cao giá. Mặt khác, tin Chính phủ Indonexia sẽ xuất gạo dự trữ ra thị trường để ngăn chặn xu hướng giá tăng cũng có lợi cho giá gạo châu Á.
Diễn biến giá gạo Thái Lan, USD/tấn, FOB:
Loại | 18/12 | 11/12 |
100% B | 315-320 | 313-315 |
5% tấm | 310-315 | 309-312 |
100% đồ | 318-323 | 315-320 |