Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đã có 163 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo
09 | 10 | 2024
Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo và những đơn hàng xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm 2024 vẫn được đánh giá khả quan.

Nguồn: Doanhnghiephoinhap.vn

Tính đến ngày 3/10/2024, cả nước chỉ còn 163 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, giảm đáng kể so với con số 210 thương nhân của hơn một năm trước. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những thương nhân này đăng ký hoạt động tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước. TP.HCM vẫn dẫn đầu với 38 thương nhân, tiếp theo là Cần Thơ với 35 thương nhân, Long An có 22 thương nhân. Một số tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp có mỗi địa phương 14 thương nhân, trong khi Hà Nội ghi nhận 10 thương nhân.

Các địa phương khác như Thái Bình, Tiền Giang có 4 thương nhân mỗi tỉnh; Kiên Giang có 3 thương nhân; Hưng Yên, Nghệ An, Tây Ninh, Sóc Trăng và Thừa Thiên-Huế mỗi địa phương có 2 thương nhân. Các tỉnh còn lại như Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu. Cụ thể, trong hai tháng liên tiếp gần đây, sản lượng gạo xuất khẩu đều vượt mốc 800.000 tấn mỗi tháng, đem lại doanh thu trên nửa tỷ USD. Tháng 8 xuất khẩu 863.000 tấn với giá trị 510 triệu USD, và tháng 9 đạt 838.000 tấn với cùng mức doanh thu. Tính chung 9 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 6,98 triệu tấn gạo, đem lại doanh thu 4,35 tỷ USD, tăng 8,9% về sản lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo cũng duy trì tích cực, tăng hơn 13% so với năm 2023.

Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo và những đơn hàng xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm 2024 vẫn được đánh giá khả quan. Việc Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hạn chế nguồn cung từ tháng 7/2023, đã tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trong thị trường gạo quốc tế.

Tuy nhiên, gần đây Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati và giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống 10%. Điều này có thể gây áp lực cạnh tranh cho các quốc gia xuất khẩu gạo chủ lực như Việt Nam, Pakistan và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu dự báo có thể giảm do nguồn cung toàn cầu tăng lên. Các chuyên gia khuyến cáo, nông dân và các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường quốc tế, đặc biệt là các chính sách xuất nhập khẩu của Ấn Độ và các nước khác.

 



Báo cáo phân tích thị trường