Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những yếu tố nào tác động đến thị trường phân bón Việt Nam?
26 | 12 | 2024
Với sự phát triển của nông sản Việt Nam cùng với lượng xuất khẩu tăng mạnh, khiến nhu cầu của các loại phân bón cũng tăng theo.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Trong 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng phân Urê đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng phân NPK tăng 11,7%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng này là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, tạo ra nhu cầu lớn cho phân bón. Kể từ đầu năm, giá gạo xuất khẩucủa Việt Nam đã có lúc đạt mức 16.000 đồng/ký, cao hơn đáng kể so với mức 14.000 đồng/ký của năm trước.

 

phan-bon.jpg

Xuất khẩu gạo tăng mạnh, tạo nhu tiêu thụ phân bón tăng theo - Ảnh minh họa.

Sự gia tăng này một phần đến từ việc các quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung lương thực do thiên tai và hạn chế sản xuất. Điều này đã tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, và từ đó, nhu cầu phân bón trong nước cũng tăng lên để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa gạo.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), một trong những đầu ra rất quan trọng với phân bón ở thị trường Việt Nam là sản xuất lúa gạo, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tổng diện tích cây trồng biến động nhẹ trước những khó khăn chung về thời tiết, khí hậu và thị trường xuất khẩu chung toàn thế giới.

Diện tích lúa 8 tháng năm 2024 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3.790 nghìn ha. Đối với cây hàng năm, diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, lạc, đậu tương giảm nhẹ từ 0,8-2,2% so với cùng kỳ, chỉ có nhóm khoai lang và rau đậu tăng nhẹ lần lượt 1,9% và 0,5% so với cùng kỳ.

“Gần đây, xu hướng sử dụng các sản phẩm phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ càng ngày càng trở nên phổ biến thay cho phân bón hóa học nhằm chống suy thoái đất, bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên phân bón hữu cơ có những điểm yếu là khó cơ giới hóa sản xuất theo quy mô lớn và chủ yếu phân hữu cơ hiện nay cho năng suất khá thấp so với phân hóa học nên vẫn chưa có niềm tin của người tiêu dùng”, VFS đánh giá.

Về xuất khẩu phân bón, theo VFS, trong 8 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu trên 1,16 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 478,7 triệu USD, giá trung bình 410,7 USD/tấn, tăng 5,87% về khối lượng, tăng 6,39% về kim ngạch và tăng 0,49% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Campuchia (tỷ trọng 30,8% tổng khối lượng), Hàn Quốc ( tỷ trọng chiếm 11% tổng khối lượng), Malaysia (7,1%). Tuy nhiên, việc chịu thuế xuất khẩu 5% đã khiến phân bón của Việt Nam mất lợi thế trên thị trường thế giới.

VFS cũng cho rằng, ngành phân bón Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt quá cầu và cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Theo đó, tổng công suất sản xuất trong nước các loại phân bón 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 2,91 triệu tấn, mặc dù nhu cầu có tăng lên 5,2 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn so với tổng cung chung của cả nước khi nhập khẩu lên tới 2,54 triệu tấn. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước phải tìm cách xuất khẩu.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 3,49 triệu tấn phân bón, trị giá đạt 1.135,17 triệu USD, tăng 1,02 triệu tấn, tăng 41,06% về lượng và 302,21 triệu USD, tăng 36,28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 (giá trung bình 324,75 USD/ tấn, thấp hơn 19-20% giá phân bón trong nước).

Thuế nhập khẩu phân bón từ các nước ASEAN (chiếm 80% sản lượng nhập khẩu) là 0%, cùng với lợi thế không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này đã tạo điều kiện cho hàng ngoại có lợi thế để áp đảo hàng sản xuất trong nước về giá.

 

phanbon1(1).jpg

Biểu đồ dự báo giá và nhu cầu phân bón.

Tình trạng dư cung không chỉ diễn ra ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường thế giới. Dẫn số liệu từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), Công ty Chứng khoán FPTS cho biết, tăng trưởng công suất phân đạm được dự báo đạt CAGR=1,4%/năm trong giai đoạn 2024 - 2027, chủ yếu do việc mở rộng công suất mới của Nga. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cũng được dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR=1,4%/năm trong cùng giai đoạn.

FPTS cho rằng, với dự phóng trên, mức chênh lệch giữa công suất sản xuất và nhu cầu Urê toàn cầu sẽ ngày mở rộng, đạt 53,4 triệu tấn trong năm 2024, (tăng 1,5% so với năm trước, chiếm 48% nhu cầu) và tiếp tục tăng lên 55,5 triệu tấn vào năm 2027, từ đó gây áp lực giảm lên giá Urê trong dài hạn. FPTS dự phóng, giá Urê trong giai đoạn 2025 – 2030 sẽ ở mức 305 USD/tấn, giảm 5% so với năm 2024.

Đánh giá về triển vọng của ngành phân bón, VFS chỉ ra một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến triển vọng thị trường phân bón Việt Nam:

Thứ nhất, dự kiến đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi của Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Điều này mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước như: Hoàn thuế nguyên liệu đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, nới rộng biên lợi nhuận gộp, góp phần tăng trưởng lợi nhuận; Mức thuế 5% có thể làm giảm sự cạnh tranh về giá thành giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

Thứ hai, nhu cầu phân bón tiếp tục được tăng cao: Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 3,2% - 4% trong năm 2024, với lĩnh vực trồng trọt dự kiến tăng 2,0% - 2,2%. Điều này dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu canh tác.

Thứ ba, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi: Sau khi giảm trong năm 2023, xuất khẩu phân bón Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh vào năm 2024, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường sang Châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.

Thứ tư, ít chịu áp lực về rủi ro tỷ giá. Nhóm doanh nghiệp phân bón ít chịu áp lực vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá urê trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, VFS cũng chỉ ra một số rủi ro của ngành phân bón như: Giá phân bón có thể biến động mạnh do ảnh hưởng từ giá đầu vào cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang; Giá phân bón tại các doanh nghiệp nội địa tiếp tục cao do chi phí thuế đầu vào, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nhập khẩu.



Báo cáo phân tích thị trường