Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 3/2010, lượng urê nhập khẩu là 280.000 tấn, kali 171.000 tấn, DAP 83.000 tấn... Trong tháng 4/2010, sẽ có thêm khoảng 85.000 tấn urê từ sản xuất trong nước. Như vậy, để chuẩn bị cho vụ hè thu, nước ta sẽ có khoảng 661.000 tấn urê, 128.000 tấn DAP, 190.000 tấn kali, 250.000 tấn super lân, 100.000 tấn lân nung chảy, 1.300.000 tấn NPK, 30.000 tấn phân vi sinh, phân hữu cơ. Ngoài ra, còn một lượng phân bón khá lớn được sản xuất trong những tháng tới.
Theo ông Thúy, mặc dù lượng phân bón trong vụ hè thu 2010 được dự báo đủ nhưng giá sẽ tăng bởi ảnh hưởng từ giá phân bón và nguyên liệu sản xuất trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố tác động tới việc tăng giá phân bón như giá xăng dầu, điện, than tăng, sẽ ảnh hưởng tới giá thành của phân bón sản xuất trong nước. Giá cước vận chuyển, tỷ giá ngoại tệ tăng cũng sẽ làm tăng giá phân bón nhập khẩu… Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tăng cao cũng sẽ tác động ít nhiều tới giá phân bón. Theo ông Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, vào thời điểm này, do nhu cầu phân bón đang xuống rất thấp nên giá phân bón nhìn chung chững lại. Nhưng khi nông dân tập trung xuống giống vụ hè thu, chắc chắn giá phân bón trong nước sẽ tăng.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ có cuộc họp với các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà sản xuất về giá phân bón sao cho phù hợp. Về lâu dài, Hiệp hội cũng đề nghị các nhà sản xuất cần nghiên cứu dần chuyển đổi công nghệ sản xuất NPK để đỡ về kho bãi, vận chuyển, công lao động, chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nhiều nước đã chuyển từ công nghệ tạo hạt hơi nước sang công nghệ lò cao, từ công nghệ lò cao sang công nghệ tạo hạt hợp lý hóa học. NPK sản xuất theo công nghệ này cho chất lượng cao, hợp lý hóa đất và cây trồng tối ưu, cho năng suất cao.
Một xu thế khác mà thế giới đang chuyển hướng sử dụng là phân hữu cơ, phân vi sinh. Hiện một số doanh nghiệp trong nước phát triển tốt sản phẩm này. Loại phân này có thể đáp ứng cho cơ cấu phân bón phục vụ nông nghiệp trong nước và một phần xuất khẩu, nhưng việc tuyên truyền, tiếp thị chưa bài bản nên việc sử dụng còn hạn chế. Trước mắt, Hiệp hội đề nghị phát triển loại phân này đến 1,5 triệu tấn từ năm 2010 - 2015.
Phạt 130 triệu đồng sản xuất phân bón giả
Do giá phân bón luôn biến động theo chiều hướng tăng dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất diễn biến hết sức phức tạp. Trên thị trường, phần lớn số phân bón kém chất lượng đều là NPK, do nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn, làm giả và bán với giá rẻ. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đã có một số vụ làm phân bón giả được khởi tố, nhưng cho đến nay vẫn đang trong tình trạng… bất động. Điển hình là vụ Công ty Thương mại Tân Trường Sinh, HTX Bắc Bình Vương (Hải Dương), đã có quyết định khởi tố của Bộ Công an và Viện KSND Tối cao, nhưng hơn một năm trôi qua mà vụ án vẫn “đắp chiếu”, gây bức xúc cho các doanh nghiệp phân bón chân chính và bà con nông dân.
Để hạn chế tối đa tình trạng phân bón giả hoành hành, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, phạt tiền từ 40 - 150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 30 - 100 triệu đồng trở lên. Tổ chức, cá nhân vi phạm bị buộc tiêu hủy phân bón giả và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Hành vi kinh doanh phân bón giả cũng bị xử phạt nặng với mức phạt từ 1-100 triệu đồng tùy thuộc vào khối lượng phân bón vi phạm.
Các hành vi vi phạm hành chính trên nếu có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 50 - 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công phân bón không đảm bảo chất lượng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 14/4/2010.