Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cấp phân bón “lạ” cho dân?
22 | 03 | 2010
Theo Đề án 30a, đã có một lượng phân bón được cấp cho người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng trị giá hàng tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ mới bón được một nửa số lượng đã cấp phát, người dân đã phát hiện hiện tượng "lạ" và báo cho cơ quan chức năng, để kiểm tra chất lượng.

Tuy nhiên, sự việc đến nay dường như đang bị cơ quan hữu trách cho rơi vào... im lặng.

Phàn nàn của người dân

Ngày 21.3, phóng viên Lao Động nhận được phản ánh của nhiều hộ dân về hiện tượng bất bình thường của phân bón “NPK Phú Châu” - được cấp phát theo chương trình Đề án 30a. Chúng tôi đã vào tận xã vùng sâu Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm để tìm hiểu vấn đề. Tại Lộc Bắc, đến đâu chúng tôi cũng được nghe người dân phàn nàn về việc phân bón “lạ” của Cty TNHH Phú Châu, (trụ sở đóng tại 140 Chu Văn An, thị xã Bảo Lộc) sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng đã ký giữa Cty với chủ đầu tư chương trình 30a tại xã Lộc Bắc là Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm.

Một người dân ở thôn 4, xã Lộc Bắc, than phiền: “Theo chương trình thì người dân chúng tôi nhận phân bón NPK do Cty TNHH Phú Châu cung cấp. Nhưng khi nhận phân, tôi thấy bao phân lạ quá: Có bao thì cứng, có bao lại mềm, bao nặng, bao nhẹ. Mang về nhà, tôi mang đi bón thì phân đóng thành tảng như ximăng. Phải lấy búa đập ra  mới bón được. Nhưng điều đáng nói là bón xong, phân chẳng có tác dụng gì cả; thậm chí là còn làm hư cả đất”.

Cũng là phân NPK Phú Châu cùng cung ứng một đợt cho dân nhưng thay vì đóng tảng, một hiện tượng khác cũng khiến cho nhiều người nghi ngờ về chất lượng – phân dạng bột khá “lạ”! Theo xác nhận của nhiều người, hôm đó tại nhà chị Ka Bếk - ở thôn 3, xã Lộc Bắc, ai cũng phải ngạc nhiên vì một bao phân NPK của Phú Châu được khui ra một cách ngẫu nhiên: Trên bao bì, nhà sản xuất Phú Châu có ghi rõ: “N-P-K 16-16-8-13S”.
 
Khi đổ phân ra, phân có dạng bột mịn nhưng lại có màu xám như ximăng. Lẫn trong đống “bột” này là những viên “phân” có màu trắng, to bằng đầu ngón tay. Một nông dân nói: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy dạng phân NPK kiểu này, tôi không rõ đây có phải là phân bón hay không”.

Cơ quan chức năng làm ngơ?

Theo điều tra riêng của PV Báo Lao Động, Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm được giao làm chủ đầu tư chương trình 30a xã Lộc Bắc (Bảo Lâm) với tổng nguồn vốn được cấp phát hơn 1,1 tỉ đồng. Số tiền này được triển khai cho hai hạng mục chính là thâm canh cây công nghiệp và dạy nghề cho bà con dân tộc thiểu số. Trong đó, hạng mục thâm canh cây công nghiệp trị giá hơn 1 tỉ đồng - chủ yếu là cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con.

Theo đó, lượng phân bón NPK 61,6 tấn và 202 lít thuốc bảo vệ thực vật do nhà cung cấp Phú Châu đảm trách, theo hợp đồng đã ký với Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm; và đơn vị này đã thực hiện đầy đủ “nghĩa vụ” của mình chỉ trong một thời gian không quá dài. Trước khi cung ứng cho dân, cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm cũng đã “làm tròn” trách nhiệm của mình là lấy mẫu ngẫu nhiên tại kho phân của Cty TNHH Phú Châu đưa đi kiểm định và kết quả thu được là phân “đảm bảo đúng thành phần”(?).

Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi cấp phát phân cho bà con, Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã nhận được thông tin về hiện tượng “lạ” của “NPK Phú Châu”, nên đã cử cán bộ chuyên môn đi kiểm tra và ghi nhận sự phản ánh của người dân là đúng sự thật. Tại thời điểm kiểm tra, theo tổng hợp của cơ quan chức năng, đã có khoảng 31 tấn “NPK Phú Châu” được bà con bón cho cây trồng.
 
Sau khi xảy ra hiện tượng sản phẩm của đơn vị “có vấn đề”, Cty TNHH Phú Châu đã đề nghị với cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm thu hồi toàn bộ số phân còn lại. Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc với PV Báo Lao Động, khi được hỏi về số lượng phân bón đã thu hồi được là bao nhiêu (trong số 30 tấn còn lại trong dân), bà Vương Thị Châu – GĐ Cty TNHH Phú Châu – lại “khuyên” chúng tôi rằng: “Cái đó thì hãy hỏi huyện, chứ chúng tôi không biết chắc là đã thu hồi bao nhiêu”(!).

Cũng cần nói thêm, toàn bộ số phân NPK đã cấp cho bà con xã Lộc Bắc theo chương trình 30a đều do Cty TNHH Phú Châu sản xuất và đóng gói tại 104 Chu Văn An, thị xã Bảo Lộc; trên bao bì cũng ghi rõ ngày sản xuất là “10.10.2009” và thời hạn sử dụng là “24 tháng”. Để kết thúc bài viết này, Báo Lao Động xin được nêu rõ quan điểm: Hy vọng đây không phải là hiện tượng phổ biến ở Lâm Đồng trong thực hiện chương trình 30a của Chính phủ - một chương trình không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế.



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường