Nguồn: nhandan.vn
Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển tốt. Ảnh: nhandan.vn
“Thắng lợi của ngành nông nghiệp có điểm tựa là hàng chục triệu bà con nông dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm ở đây chính là sự năng động của các địa phương trong việc thẩm thấu tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ đó giúp bà con biết là sản xuất phải đi theo thị trường…”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan chỉ ra khi ngành nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024.
Theo đó, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do những biến động thị trường, đặc biệt là những tác động nặng nề từ cơn bão số 3, năm 2024, ngành nông nghiệp nước ta vẫn duy trì ổn định.
Thắng lợi trên nhiều lĩnh vực
Theo Tổng cục Thống kê, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các tỉnh miền bắc. Giá trị sản xuất cây hằng năm của các tỉnh bị ảnh hưởng bão trong quý III giảm 7,2% so cùng kỳ; cây lâu năm giảm 13%. Ảnh hưởng của bão tiếp tục kéo sang quý IV khi mà sản lượng lúa vụ mùa của các tỉnh miền bắc giảm 584,8 nghìn tấn so vụ mùa trước; giá trị sản xuất cây hằng năm quý IV của các tỉnh bị thiệt hại do bão tiếp tục giảm 5,6%; cây lâu năm giảm 5,1%. Tuy nhiên tăng trưởng của ngành nông, lâm, thủy sản năm 2024 vẫn đạt 3,27%.
Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê đánh giá, để có những kết quả tăng trưởng tích cực cả năm của ngành nông nghiệp có nhiều yếu tố.
Thứ nhất là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, sự chủ động của các địa phương trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả của bão đã hạn chế bớt thiệt hại, ảnh hưởng bão gây ra, sớm khôi phục lại sản xuất.
Bên cạnh đó, đóng góp tích cực của hoạt động chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất của các vùng không bị ảnh hưởng bão, qua đó bù đắp lại thiệt hại do bão gây ra. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2024 ước tăng 6,6% so với năm trước (quý IV tăng 8,6% so cùng kỳ), trong đó một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có sản lượng lợn tăng cao với hàng loạt dự án chăn nuôi quy mô lớn. Sản lượng thịt gia cầm cả năm tăng 5,4% (quý IV tăng 6,4%).
Ngành lâm nghiệp, gỗ khai thác tăng cao, sản lượng gỗ khai thác cả năm ước tăng 7,9% (quý IV tăng 9,6%). Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2023.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển tốt, nhất là ở vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm hơn 70% cả nước) với các mặt hàng có giá trị cao như tôm nuôi, cá tra tăng mạnh. Sản lượng tôm nuôi năm 2024 tăng 5,6% (quý IV tăng 7%); cá tra tăng 4,8% (quý IV tăng 5,3%). Xuất khẩu thủy sản cả năm đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 11,9% so với 2023.
Ngoài ra, trong sản xuất lúa, tuy vụ lúa mùa sản lượng giảm mạnh do bão, nhưng cả năm 2024 sản lượng lúa vẫn đạt xấp xỉ năm 2023 nhờ vụ đông xuân tăng 145 nghìn tấn; vụ hè thu tăng 139,1 nghìn tấn, vụ thu đông Đồng bằng sông Cửu Long tăng 118,5 nghìn tấn. Giá lúa tăng cao (bình quân năm tăng 15,6%), xuất khẩu gạo năm 2024 tăng 11,2% về lượng và tăng 21,2% về giá trị so với năm 2023.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2024 ước tăng 6,6% so với năm trước. Ảnh: nhandan.vn
Phấn đấu duy trì đà tăng trưởng
Chia sẻ về định hướng để duy trì đà tăng trưởng của ngành trong năm 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường sẽ luôn được chú trọng.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt là việc mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi.
Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương để triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định khu vực và song phương với các nước. Bộ cùng các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu thị trường và truyền tải hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Ông cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong đó việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi rất quan trọng. Bởi hiện nay phần lớn các sản phẩm nông sản của Việt Nam mới chỉ được khai thác bán thô sản phẩm.
Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nhưng sự tuần hoàn này mới bắt đầu một cách sơ khai. Việt Nam vẫn bán thô hạt gạo, trong khi bên cạnh hạt gạo còn trấu, cám, rơm… Tất cả các sản phẩm đều có thể tạo ra các sản phẩm như giá thể cho cây trồng, viên nén… hay việc kết hợp với các chế phẩm sinh học để tạo ra phân bón hữu cơ, tái tạo lại đất trồng.
“Nếu chỉ nhìn cục bộ, đơn ngành, rất khó để tăng giá trị cho nông sản. Theo tôi cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn từ một sản phẩm, thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, nông nghiệp tuần hoàn sẽ không bỏ đi thứ gì. Nông nghiệp tiến tới không còn rác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Năm 2025, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 64 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%...
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước. Thủ tướng chỉ đạo ngành Nông nghiệp phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; góp phần đắc lực, hiệu quả chống biến đổi khí hậu, nhất là tại các địa bàn trọng điểm…, với mục tiêu nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn; nông thôn hiện đại hơn; nông nghiệp tiên tiến hơn.
Năm 2024 cũng là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam đạt con số ấn tượng. Nhiều mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, tăng mạnh so với năm 2023: Gỗ và sản phẩm gỗ 16,3 tỷ USD (tăng 20,9%); thủy sản 10,04 tỷ USD (tăng 11,9%); rau quả 7,15 tỷ USD (tăng 27,6%); gạo 5,67 tỷ USD (tăng 21,2%); cà-phê 5,62 tỷ USD (tăng 32,5%); hạt điều 4,34 tỷ USD (tăng 19,2%); cao-su 3,42 tỷ USD (tăng 18,2%).