Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả: Những bất cập và mục tiêu kim ngạch 1,5 tỷ USD
26 | 07 | 2007
Xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam trong những năm qua có chiều hướng gia tăng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư phát triển do thị trường kinh doanh rau, hoa, quả tươi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay cả nước có 680.000 ha trồng cây ăn quả, trên 765.000 ha trồng rau và hoa các loại phục vụ tiêu dùng nội địa và một phần cho xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu rau, hoa, quả của Việt Nam đã có chiều hướng tăng: năm 2000 đạt 213 triệu USD, 2005 đạt 230 triệu USD, 2006 đạt 280 triệu USD.

Một số mô hình phát triển sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả đạt hiệu quả kinh tế cao, có giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đ/ha/năm, có doanh nghiệp xuất khẩu đạt hàng chục triệu USD/năm.

Nhiều hạn chế chưa được giải quyết

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong ngành rau, hoa, quả tươi ở Việt Nam mà đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, theo mùa vụ.

Vì vậy, cao điểm mùa vụ thì hàng hoá tập trung cao, không tiêu thụ nhanh thì thua lỗ; ngược lại trái vụ thì không tạo được sản lượng lớn, ổn định cho xuất khẩu.

Mặt khác, do quy mô nhỏ lẻ (mỗi hộ từ 200-300 m2 cho rau, 1.000 m2 cho hoa hoặc quả) nên sản lượng hàng hóa không nhiều và gây trở ngại cho việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất và kinh doanh.

Đến nay vấn đề bảo quản sau thu hoạch vẫn nóng bỏng, cản trở khả năng xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam đến các thị trường xa. Như xoài, vú sữa, chuối... tuy thơm ngon nhưng mỏng vỏ nên không cất giữ được lâu, không bảo quản được để chủ động độ chín đáp ứng nhu cầu thị trường Pháp, Nhật, Hà Lan, Ai Cập.

Các đơn vị kinh doanh rau, hoa, quả thiếu hệ thống kho bảo ôn, phương tiện vận chuyển bảo ôn chuyên dùng, trong khi giá cước vận chuyển cao nên việc vận chuyển bảo quản xa gặp khó khăn. Phổ biến hiện nay là các thương lái thu mua của dân, thuê phương tiện chở lên biên giới bán tại cửa khẩu theo đường tiểu ngạch.

Do không có kho bảo ôn, nên thương lái bán vội và bị ép giá. Rau, hoa, quả Việt Nam không xuất khẩu được một phần do chưa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài vài công ty đầu tư nước ngoài, các công ty Việt Nam chưa tổ chức có bài bản việc tập kết hàng, phân loại, đóng gói bao bì, bảo quản kho lạnh...

Những hạn chế trên phần lớn xuất phát từ khâu tổ chức sản xuất và kinh doanh. Hiện tại có 3 phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu là công ty nhà nước chuyển sang cổ phần, có khách hàng nước ngoài nhưng còn hạn hẹp.

Các công ty ở địa phương thu gom hàng từ các hộ nông dân và giao lại cho các công ty lớn ở Tp.HCM, Hà Nội hoặc khách nước ngoài thu mua xuất khẩu. Một số nơi xuất hiện một số mô hình liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nông dân hoặc hợp tác xã với nông dân. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng đã ký, đưa vào phân loại, chế biến, đóng gói và xuất khẩu.

Nhưng những mô hình này tập trung chủ yếu ở Tp.HCM, Đà Lạt và một số tỉnh ĐBSCL.

Lấy thị trường làm căn cứ sản xuất

Theo Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 của Bộ Thương mại được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu rau, quả là 600-700 triệu USD vào 2010 và là 1 tỷ USD vào năm 2015.

Trong dự thảo chương trình quốc gia về phát triển rau, hoa quả tươi Việt Nam đến năm 2015 cũng đặt ra vấn đề mấu chốt là tìm mô hình tổ chức sản xuất và xuất khẩu thích hợp, gắn sản xuất với xuất khẩu, tháo gỡ những tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành.

Chương trình đề xuất sẽ triển khai trên địa bàn cả nước, trước mắt xây dựng một số mô hình thí điểm. Theo đó, sẽ có khá nhiều giải pháp đáng chú ý sẽ được thực hiện, chẳng hạn như xây dựng các mô hình liên kết vệ tinh với vai trò chủ đạo là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh trọng điểm lựa chọn vài công ty TNHH hoặc hợp tác xã ở địa phương đã và đang sản xuất, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa, quả. Chương trình sẽ hỗ trợ các đơn vị này ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất, thu gom và xuất khẩu rau, hoa, quả theo quy trình công nghệ mới.

Công ty hoặc HTX xác định kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của mình cho từng giai đoạn và sẽ hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, quản lý quy trình canh tác cho bà con. Hộ nông dân vệ tinh sản xuất đảm bảo cung cấp hàng đủ số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như hợp đồng.

Đồng thời chương trình hỗ trợ các công ty được chọn thí điểm các giải pháp xuất khẩu như: đàm phán ký hợp đồng ngoại, nghiên cứu thị trường, thành lập ban chuyên trách về các thủ tục xuất khẩu, xây dựng các phương tiện phục vụ cho xuất khẩu như kho lạnh, thiết bị chọn lựa, đóng gói hàng hóa...



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường