Nghề làm giá đỗ đã có từ lâu ở Nghi An. Tại các hộ làm giá, nhà nào cũng có ít nhất vài chục thạp gài giá. Giá Nghi An nổi tiếng vì ngon, giòn và sạch chủ yếu cung cấp thị trường Đà Nẵng. Nhiều gia đình khá lên nhờ nghề này. Hiện rất nhiều hộ ở Nghi An làm giá đỗ, trong đó 14 hộ sản xuất quy mô lớn, mỗi ngày bán ra thị trường từ 700-800 kg giá. Bí quyết để giá đỗ Nghi An ngọt mát, giòn chính là ở khâu chọn nguyên liệu. Tại các cơ sở hộ làm giá có hàng hàng những thạp bằng đất nung, chằng chịt dây buộc bên ngoài xếp ngay ngắn như trong một lò sản xuất đồ gốm. Giá bán mỗi thạp đất nung khoảng 28.000 đồng/cái. Một cơ sở sản xuất giá đỗ quy mô thường có ít nhất 400 thạp như vậy, tính ra số vốn đổ vào dụng cụ này hơn trăm triệu đồng. Yêu cầu đầu tiên của người làm giá phải là khéo tay, cẩn thận, nếu làm vỡ thạp thì coi như mất lãi. Theo những người có kinh nghiệm làm giá thì đỗ xanh của Trung Quốc tuy to hạt, nhưng giá không ngon bằng đỗ ta (đỗ xanh trồng ở các vùng nông thôn Quảng Nam, Đà Nẵng, hạt chắc, bùi và không sử dụng thuốc kích thích). Chọn được đỗ ngon, đều hạt xong sẽ vò và đãi đỗ qua nước sạch để làm mỏng vỏ, loại bớt đỗ hư. Trước khi cho đỗ vào thạp phải ngâm qua nước để đỗ nở, sau đó rửa sạch. Trung bình một thạp với 1-1,5kg đỗ sẽ cho 10-13kg giá. Nhiều nơi, vì chạy theo lợi nhuận nên cũng có những chỗ làm giá sử dụng thuốc kích thích trong lúc ngâm đỗ và tưới giá. Làm vậy tuy cây giá béo mập, trắng sáng, đều đặn nhưng vị giá nhạt. Để giữ uy tín "thương hiệu", Hội ND Nghi An đã tuyên truyền cho người sản xuất giá ở Nghi An về những tác hại của việc sử dụng thuốc kích thích trong quá trình sản xuất và vận động các hộ tuân thủ quy trình làm giá sạch. Người làm giá Nghi An có một nguyên tắc là không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Nước tưới giá phải là nước sạch, không có tạp chất. Có vậy cây giá Nghi An mới đảm bảo được uy tín lâu nay: sạch, ngọt, giữ được mùi thơm của đỗ xanh. Chính vì thế mà thương hiệu giá sạch Nghi An ngày càng trở nên "đắt hàng" trên thị trường. Những người làm giá đỗ có kinh nghiệm ở Nghi An cho biết, chất lượng, thời gian và lượng nước tưới cho đỗ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá ngon hay dở. Theo đó, cách 4 giờ phải tưới cho đỗ một lần. Chỉ cần quên một lần cho giá "uống nước" xem như mẻ ấy hỏng. Nhiệt độ cũng là một yếu tố quan trọng, thời tiết thay đổi cũng có thể khiến cây giá èo uột. Nhiệt độ lý tưởng nhất làm giá là từ 25-31độ. Người dân Nghi An thường che riêng một góc bên nhà để làm xưởng sản xuất giá, phòng khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh ảnh hưởng đến giá. Khi đã đưa giá ra khỏi thạp phải bán ngay trong ngày. Để qua hôm sau giá sẽ bầm dập, chất lượng bị hỏng. Nhờ ý thức giữ gìn thương hiệu nên giá Nghi An luôn được các nhà hàng, các bà nội trợ và người buôn giá ở các chợ trên thị trường Đà Nẵng tín nhiệm. Do số lượng mua ổn định nên người sản xuất không lo ngại về chuyện dư thừa sản phẩm. Trung bình một hộ sản xuất quy mô có thể bán 70 thạp, khoảng 700-800 kg giá đỗ/ngày với giá trung bình 2.500 đồng/kg. Trừ chi phí cho nguyên liệu, công cán, mỗi thạp lãi khoảng 4.000 đồng. Trung bình một hộ làm giá tạo việc làm cho 20-30 lao động phục vụ khâu sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra có thể tận dụng vỏ đỗ, đỗ hư hỏng để chăn nuôi. Hội ND phường Hoà Phát luôn khuyến khích, sẵn sàng đứng ra giúp ND lập dự án, vay vốn để đầu tư làm giá sạch kết hợp với chăn nuôi, đồng thời sẽ thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật làm giá sạch cho ND. Với thu nhập ổn định, không đòi hỏi quá nhiều vốn liếng, công sức, có thể sản xuất quanh năm, nghề làm giá đã giúp nhiều ND Nghi An vươn lên khá giả. Ở vùng quê này, trước đây nhiều người vào rừng khai thác gỗ kiếm sống nay cũng đã quay về với nghề làm giá truyền thống. |