Tại kỳ họp tháng 11 năm 2006, Quốc hội khoá XI đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó Việt Nam phải mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan theo lộ trình từ 5 đến 7 năm kể từ thời điểm gia nhập. Do đó chúng ta phải sửa đổi danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của nước ta theo hệ thống hài hoà và mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới, phiên bản 2007 (HS 2007) và danh mục biểu thuế chung ASEAN (AHTN 2007) sẽ áp dụng từ năm 2008. Đồng thời cũng để hạn chế xuất nhập khẩu nguyên liệu thô, nguyên liệu quí, bảo vệ tài nguyên không thể tái tạo của quốc gia, khuyến khích đầu tư chế biến trong nước ... Về biểu khung thuế xuất khẩu, theo Chính phủ và dự thảo biểu khung thuế xuất khẩu thì 7 nhóm hàng thuộc đối tượng tăng mức trần thuế xuất khẩu nhằm mục tiêu hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, giữ nguyên liệu cho sản xuất trong nước; đồng thời giảm mức thuế sàn đối với một số mặt hàng xuất khẩu như: Quặng thiếc, quặng măng gan từ mức sàn hiện hành 5% xuống 0%; bán thành phẩm sắt, thép, ni ken, kẽm, kim loại thường, thiếc giảm từ 1 xuống 0%; bán thành phẩm đồng, nhôm, chì giảm từ 3% xuống 0% để tạo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ. Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc tăng mức thuế suất trần nhưng không tăng mức thuế suất sàn, thậm chí còn giảm, mở quá rộng khung thuế suất như Tờ trình của Chính phủ là chưa hợp lý, khó đảm bảo mục tiêu hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, giữ nguyên liệu cho sản xuất trong nước; việc mở rộng khung thuế suất có thể tạo linh hoạt trong công tác điều hành của Chính phủ, song lại không đảm bảo tính chặt chẽ trong việc áp thuế suất, có nguy cơ dẫn đến sự tuỳ tiện, không công bằng, tạo sự chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng. Với việc tăng thuế xuất khẩu, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với việc hạ mức thuế suất trần đối với phế liệu thép từ 40% xuống 30% và phế liệu kim loại màu từ 50% xuống 30% theo đúng cam kết của ta với Tổ chức Thương mại thế giới. Đối với mặt hàng dầu thô với khung thuế suất hiện hành là 0% - 8%, dự kiến tăng lên 0% - 20% là hợp lý nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên trong nước khi nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động. Đối với than đá, cũng dự kiến tăng từ 0% - 20%.
Đại diện Bộ Ngoại giao có ý kiến, để phù hợp với các cam kết quốc tế nhưng phải đảm bảo sự bảo hộ trong nước, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi đều thấp hơn, nên chúng ta phải giảm mức trần và sàn để phù hợp với lộ trình. Về cơ bản, việc sửa đổi biểu khung thuế xuất nhập khẩu, biểu khung thuế ưu đãi để hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết ...
Bộ trưởng Tài chính giải thích một số vấn đề về từng loại mặt hàng và căn cứ chính sách để định ra biểu thuế phù hợp; các mã hàng hoá cần phải cụ thể để có sự chẩn hoá theo chuẩn quốc tế để tiện việc kiểm hoá, theo Bộ trưởng, mức thuế trần tương đối phù hợp, nhưng mức sàn thì cần xem xét điều chỉnh một số mặt hàng như kim loại, quặng, than. Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện nay rất lớn và nhiều khả năng cung chỉ đủ cầu, vì vậy cần có sự điều chỉnh với nhu cầu trong nước...Đối với các mặt hàng nông sản thì thuế suất bằng 0%.
Đại biểu Trương Thị Mai cho rằng việc sửa đổi khung biểu thuế cần phải có sự tính toán, cân nhắc để phù hợp với quốc tế, nhưng cần phải quan tâm đến đời sống của người nông dân, các sản phẩm của người nông dân, làm sao để các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn, xuất khẩu tốt hơn. Là đại biểu nhiều khoá ở đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu Mai cho biết đời sống của người dân nhiều năm nay không khá lên do sản xuất nông nghiệp bấp bênh, giá cả thất thường, dịch bệnh hoành hành, Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ, bảo hộ thế nào đối với nông dân...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một số điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, cần qui định cụ thể để đảm bảo độ chuẩn xác của Nghị quyết về biểu khung thuế xuất khẩu, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi
Biểu quyết tại hội trường, đa số các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết này.