Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổng quan Lâm nghiệp Cộng đồng và Giảm nghèo tại Việt Nam
06 | 11 | 2007
Các vùng có tỷ lệ nghèo đói cao thì tình trạng nghèo đói càng trầm trọng và mức sống của người dân càng thấp hơn nhiều so với mức chuẩn nghèo. Đáng chú ý là những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao thường tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi còn rừng tự nhiên, có độ che phủ cao. Sự nghèo đói của bộ phận dân cư sống gần rừng vốn được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá rừng.

Nghèo đói ở Việt Nam

 

Tiêu chí nghèo ở Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều khái niệm và tiêu chí xác định. Các khái niệm nghèo, đói, chuẩn nghèo chung, chuẩn nghèo lương thực thực phẩm vẫn dùng lẫn lộn, không được giải thích rõ ràng ngay trong cùng một tài liệu. Tiêu chí đói nghèo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra dựa vào thu nhập lương thực bình quân đầu người/tháng tính bằng gạo hay bằng tiền tương đương để mua số gạo đó. Tiêu chí này thay đổi theo thời gian điều tra cùng với sự thay đổi mặt bằng thu nhập quốc gia. Năm 1993, hộ đói có thu nhập bình quân 8 kg gạo/người/tháng. Năm 1997, hộ đói có thu nhập dưới 13 kg gạo (tương đương 45.000 đồng/người/tháng); hộ nghèo dưới 15 kg gạo (tương đương 55.000 đồng/người/tháng). Thời kỳ 2001-2005, quy định hộ nghèo nông thôn miền núi có thu nhập bình quân 80.000 đồng/người/tháng (Bùi Minh Đạo).

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa vào chuẩn nghèo lương thực thực phẩm năm 2004 là 124.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 163.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Chuẩn nghèo của Chính phủ thời kỳ 2006-2010 là 200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị (Bộ KHDT, 2006). Rõ ràng ở đây không đề cập về tiêu chí đói, song trên thực tế nông thôn miền núi, đói vẫn là một thực tế đáng quan tâm.

 

Từ giữa những năm 1980, với chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, là “một trong những sự kiện thành công nhất trong phát triển kinh tế” (ADB, 2003). Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu mức tăng trưởng kinh tế nhanh có giúp xoá được đói và giảm nghèo trong tương lai.

 

Trong giai đoạn 1993-2004, tỷ lệ nghèo toàn bộ ở Việt Nam đã giảm từ 58% xuống còn 37%, 29% và 24,1% qua các năm 1988, 2002 và 2004. Tỷ lệ đói nghèo lương thực giảm từ 25% xuống còn 11% (WB, 2003). Một phần ba dân số thoát khỏi nghèo trong vòng gần một thập kỷ (ADB, 2004). Tính đến cuối năm 2004, theo tiêu chuẩn nghèo quốc gia, trong 64 tỉnh thành có: 2 tỉnh không còn hộ nghèo; 18 tỉnh còn 3-5% hộ nghèo; 24 tỉnh còn 5-10%, 15 tỉnh có tỷ lệ từ 10-15%, 3 tỉnh có tỷ lệ từ 15-20% và 2 tỉnh còn số hộ nghèo chiếm hơn 20%. Như vậy, Việt Nam đã về đích trước một năm trong việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo thời kỳ 2001-2005 (Bộ KHĐT, 2005).

 

Nghèo có logic riêng của nó và được thể hiện theo không gian. Phần lớn người nghèo (khoảng 90%) sống ở khu vực nông thôn. Bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị có nguy cơ ngày càng tăng trong những năm tới. Có ba nhân tố gây ra sự bất bình đẳng này: i) sự tham gia vào kinh tế toàn cầu chỉ mang lại lợi nhuận cho những trung tâm kinh tế trong cả nước; ii) sự phân quyền giúp các địa phương có “thu nhập cao” chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội hơn các tỉnh nghèo; và iii) chi phí cá nhân cho y tế và giáo dục cao hơn nhiều do phụ thuộc vào thị trường. Sự phân cách này có thể không nhất thiết ảnh hưởng đến sự tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhưng nó làm gia tăng khoảng cách về tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao giữa nông thôn và thành thị cũng như giữa người giàu và người nghèo (ADB, 2003).

 

Tuy nhiên, trong khi ở vùng thành thị và nông thôn đồng bằng tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh thì ở vùng nông thôn miền núi tỷ lệ các hộ nghèo đói vẫn cao. Các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên tỷ lệ nghèo đói vẫn còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước.



Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư, 2005


Theo dự đoán đến năm 2010, khoảng 21% dân số Việt Nam sẽ vẫn bị nghèo và 37% trong số đó là người dân tộc thiếu số. Nhiều hộ gia đình ở diện cận nghèo và rất dễ bị nghèo trở lại khi bị đau ốm, thiên tai, giá cả nông sản thấp, phá sản… Nhóm hộ này chiếm khoảng 5-10% dân số. Ngoài nhóm người Hoa, các nhóm dân tộc thiểu số khác có khả năng nghèo hơn người Kinh gấp từ 50% đến 250%. Sơ đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ nghèo đói ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với tỷ lệ chung của cả nước, và ngược lại, tỷ lệ này ở người Kinh thì thấp hơn. Đến năm 2002, tỷ lệ nghèo ở các dân tộc thiểu số là 69,3%, chung cả nước là 28,9% và người Kinh là 23,1%. Tương tự như vậy, năm 2002 các dân tộc thiểu số vẫn còn 41,5% hộ đói, nhưng cả nước chỉ còn 9,9% hộ đói và chỉ số này ở người Kinh là 6,5%.


Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư, 2005

 

Quản lý rừng, hoạt động lâm nghiệp và giảm nghèo ở Việt Nam

 

Các vùng có tỷ lệ nghèo đói cao thì tình trạng nghèo đói càng trầm trọng và mức sống của người dân càng thấp hơn nhiều so với mức chuẩn nghèo. Đáng chú ý là những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao thường tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi còn rừng tự nhiên, có độ che phủ cao. Sự nghèo đói của bộ phận dân cư sống gần rừng vốn được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá rừng.

 

Việc phân chia 3 loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đã xác định rõ chủ quản lý rừng của từng loại. Theo đó các hoạt động lâm nghiệp và sinh kế của người dân cũng phụ thuộc vào mối quan hệ với từng loại rừng đó. Với rừng đặc dụng gồm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đóng góp vào thu nhập và giảm nghèo thông qua hợp đồng bảo vệ, các hoạt động của dự án bảo tổn, du lịch và các sản phẩm ngoài gỗ. Với rừng phòng hộ, thu nhập của người dân có thể thông qua công việc nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng, các dự án trồng rừng, thu gom lâm sản ngoài gỗ. Hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ thường thông qua cộng đồng hoặc sự giám sát của chính quyền xã, và thông qua đoàn thể hơn là cá nhân. Thu nhập từ hợp đồng tập thể như thế này bị chia nhỏ, đóng góp vào thu nhập không đáng kể. Rừng sản xuất là loại rừng nằm trong quy định được giao quyền sử dụng lâu dài cho hộ gia đình. Để đạt được lợi nhuận từ đất rừng sản xuất thường phải có tỷ suất đầu tư cao và dài hạn để có thể cải tạo chất lượng rừng hoặc trồng rừng, tăng vốn rừng. Điều này là thực tế có khó khăn cho người dân, trước hết là bất khả thi cho người nghèo.

 

Thực hiện lâm nghiệp cộng đồng thực chất cũng là việc thu hút sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng vào các giải pháp khắc phục những hạn chế nói trên và phát huy vai trò quan trọng của rừng vào đời sống thường nhật của người dân. Mục tiêu giảm nghèo thông qua lâm nghiệp chính là tạo việc làm từ công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển vốn rừng, cải thiện sinh kế và đa dạng hoá nguồn thu từ rừng và nghề rừng.

 

Trích lược từ Báo cáo “Tổng quan Lâm nghiệp cộng đồng và giảm nghèo ở Việt Nam” do  Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng thực hiện tháng 10/2007.

 

Liên hệ với người đăng tin này: Nguyễn Trang Nhung – nguyentrangnhung@agro.gov.vn



Lê Thị Vân Huệ (trong nhóm thực hiện Nghiên cứu Lâm nghiệp cộng đồng và giảm nghèo ở Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường