Cụ thể, năm 2006 kinh phí KC quốc gia được cấp cho cả nước là 10 tỉ đồng, chỉ bằng 12,6% và năm 2007 được cấp 20 tỉ đồng, bằng 23,2% so với nhu cầu. Vì thế, năm 2007, nhiều địa phương mới chỉ cấp kinh phí cho bộ máy làm công tác KC mà chưa bố trí kinh phí cho KC. Đội ngũ cán bộ của các Trung tâm KC (đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động KC) hiện nay được đánh giá còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là trong việc tư vấn, hướng dẫn phát triển CNNT, xây dựng và trực tiếp đề án KC. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào đề nghị của cơ sở, dẫn đến quy mô của mỗi đề án nhỏ, manh mún, chưa thể hiện rõ ý nghĩa toàn quốc hoặc khu vực...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:
“Hoạt động khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thị phần của công nghiệp nông thôn trong công nghiệp cả nước nói chung, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp”.
Nhập khẩu tăng nhanh hơn dự báo
Theo Bộ Công Thương, mức NK và nhập siêu của 11 tháng đầu năm 2007 tăng cao so với cùng kỳ năm 2006, chủ yếu do tăng NK hàng máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và cho các dự án đầu tư lớn thuộc ngành công nghiệp. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XNK ước đạt gần 98 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK 43,638 tỷ USD và kim ngạch NK lên tới 54,11 tỷ USD (mức dự báo được đưa ra là 52,4 tỉ USD). Năm 2006 và 2007, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục với nhiều nhà đầu tư lớn, đồng nghĩa với việc nhóm DN này phải NK các loại máy móc, thiết bị, vật tư… tăng mạnh, nhằm thúc đẩy các dự án nhanh đi vào hoạt động.
Một nguyên nhân nữa, cùng với việc Việt Nam vừa gia nhập WTO, do sức cạnh tranh của sản xuất trong nước còn thấp, nên thực hiện cam kết cắt giảm thuế suất thuế NK thì nhiều mặt hàng không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép; ôtô; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu; xăng dầu; hoá chất; dầu mỡ động thực vật …, trong đó không ít mặt hàng có giá trị NK lên đến hàng tỉ USD.
Nhiều ngành hàng XK mũi nhọn của Việt Nam cũng bắt đầu NK nguyên liệu về chế biến, đơn cử như ngành thủy sản. Do năng lực của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh trong năm 2007 tăng tới 20%, trong khi lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác chỉ tăng 7,6%, buộc nhiều DN phải nhập cá, tôm nguyên liệu từ Nauy, Canada, Myanma… Sản lượng hạt điều thô chỉ đáp ứng 50% công suất của các nhà máy chế biến thành nhân điều XK nên DN phải nhập hạt điều thô từ Campuchia, Bờ biển Ngà, Nigiêria, Inđônêxia… Kim ngạch NK bị đội lên còn do tác động của giá xăng dầu, phân bón, hóa chất, thép thành phẩm, phôi thép…, thị trường thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới, trong khi thị trường trong nước chưa theo kịp. Nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam hiện nay chưa đến mức báo động, nhưng đó là cũng là khuyến cáo dành cho cộng đồng DN trong nước cần sớm nâng cao sức cạnh tranh nội địa, các DN XK phải bứt phá tìm kiếm bạn hàng mới, thị trường mới…
Các giải pháp cân bằng chưa theo kịp
Thúc đẩy tăng trưởng XK, cân bằng cán cân thanh toán được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh sản xuất và XK các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng XK chủ lực mới theo hướng nâng cao hiệu quả XK; chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh XK những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng XK thô…, dù nhiều nỗ lực, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Số liệu thống kê trong 11 tháng của năm 2007 cho thấy các mặt hàng XK nhìn chung đều tăng so với cùng kỳ năm 2006, tuy nhiên so với hàng NK, các mặt hàng XK tăng chậm hơn. Một số mặt hàng XK chủ lực những năm trước đây đều giảm do yêu cầu bảo đảm chính sách an ninh năng lượng và an ninh lương thực.Thị trường XK trong năm qua cũng chưa thấy được sự đột biến rõ nét, bên cạnh một số nơi tăng khá như Hoa Kỳ, EU, Australia…, thì cũng có một số thị trường tăng thấp hoặc còn bị giảm, như Malaysia, Đài Loan, Nga, Philippines, Thái lan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Do tính gia công của nền kinh tế Việt Nam còn lớn, công tác nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ được đề ra từ lâu, nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Hiện nay, để kìm chế lạm phát ở trong nước, nhà nước đã giảm thuế suất thuế NK đối với nhiều mặt hàng, như vậy nhập siêu sẽ khó giảm mà có xu hướng tăng lên và tỷ trọng hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch NK cũng lớn hơn.
Mục tiêu của phát triển công nghiệp phụ trợ là thay thế NK, tạo chủ động cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng và XK nên phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.Hiện cả nước có 24 ngành kinh tế kỹ thuật, cộng với một số ngành khác, con số này lên khoảng 30 và ngành nào cũng cần thiết phải có công nghiệp phụ trợ (?).
Theo Bộ Công Thương, phải chọn ngành trọng điểm để đầu tư. Theo đó, trước mắt ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, dệt may, điện tử-tin học, ô tô, da giày và đồ gỗ XK. Nhiều DN cho rằng, việc ưu tiên đầu tư trọng điểm là cần thiết nhưng cần có giải pháp cụ thể. Giám đốc một DN cho biết, kế hoạch XK dệt may năm 2008, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu XK của ngành phải đạt 9,5 tỉ USD, tăng gần 22% so với năm 2007. Muốn đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ, Bộ phải có giải pháp triệt để tháo gỡ những khó khăn, ví dụ đề xuất với Bộ Tài chính ưu tiên xem xét lại cách tính thuế đối với nguồn nguyên phụ liệu đã NK về sản xuất để DN tiết kiệm nguyên phụ liệu…
Một nguyên nhân ảnh hưởng đến nhập siêu trong thời gian qua cũng cần được nhắc đến là chính sách điều tiết tỷ giá hối đoái, lạm phát của nhà nước. Tỷ giá hối đoái có tác dụng 2 mặt đến hoạt động XNK. Trường hợp mất giá đồng Việt Nam so với ngoại tệ sẽ khuyến khích XK, hạn chế NK nhưng lại ảnh hưởng xấu đến việc thu hút FDI. Do đó, phải điều tiết tỷ giá hợp lý để vừa thu hút được vốn nước ngoài, vừa khuyến khích đầu tư cho XK, hạn chế NK, kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. Tỷ giá hối đoái sụt giảm trong thời gian gần đây chủ yếu do áp lực giảm cung ứng tiền VND trong lưu thông để kiềm chế lạm phát.
Chính vì vậy, nhiều định chế tài chính lớn đều đưa ra nhận định, khả năng tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi xuống trong thời gian từ nay đến hết năm 2007. Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, tỷ giá hối đoái sẽ không mất hơn 0,5% trong những tháng còn lại của năm (từ đầu năm đến nay tỷ giá giảm 0,5%). Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái can thiệp khi đồng USD giảm dưới mức 16.000 đồng/USD. Hiện nay, mức giảm của tỷ giá là 0,5%, nên mức tối đa chỉ xuống khoảng 1% cho cả năm 2007.