Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nông thôn: Bao giờ vượt ngưỡng “vừa và nhỏ”?
19 | 12 | 2007
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục cải thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách đất đai, tín dụng, nhân lực để tạo thuận lợi hơn cho khu vực này.

3 hệ quả của sự phát triển yếu kém

Theo ông Trần Thế Xương, Phó Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp (DN) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 1.100 DN nông - lâm nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Số DN này mới chỉ bằng xấp xỉ 1% tổng số DN của tất cả các ngành kinh tế trên cả nước. Trong khu vực kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, theo điều tra của Tổng cục Thống kê, có khoảng 4.500 DN Nhà nước, 27.000 công ty tư nhân và 3 triệu hộ gia đình nông thôn tham gia vào sản xuất thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các hoạt động phi nông nghiệp khác. Mặc dù quy mô không lớn, nhưng các DN này đã huy động được gần 30 tỷ USD, sử dụng gần 3 triệu lao động, tạo 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn và sử dụng 26% lao động của cả nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn bằng việc phát triển ngành nghề mới.

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, hiện có tới 34% DN nông thôn thua lỗ, trong khi con số này năm 2000 là 24%; tỷ số lợi nhuận của các DN giảm rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Điều này có thể nhận thấy rõ hơn khi chúng ta xem xét khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ở nông thôn. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Trên thang điểm 100, mức bình quân chung về điểm cạnh tranh của các DN ngành nông - lâm nghiệp chỉ đạt 46,4 điểm, tức là dưới mức trung bình”. Chính khả năng cạnh tranh thấp này khiến cho các DN nông nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, sự phát triển yếu kém của hệ thống các DN nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã dẫn tới 3 hệ quả là: Sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thấp; Không tạo nên được hiệu ứng lan toả, ảnh hưởng của sự phát triển DN nông nghiệp, nông thôn đến sự phát triển kinh tế nông thôn còn thấp; Việc phát triển DN nông nghiệp nông thôn cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, mất đất nông nghiệp gây ra khó khăn cho sự phát triển kinh tế nói chung.

“Cú hích” nào cho doanh nghiệp nông thôn?

Hiện nay, những khó khăn cơ bản của khối DN này được chỉ ra vẫn là các vấn đề về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động. TS. Đặng Kim Sơn cho biết: “Những lo ngại về quy mô nhỏ bé, năng lực lập dự án yếu, ít có tài sản thế chấp đã khiến tỷ lệ vốn vay từ ngân hàng hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 20% vốn cho DN ở nông thôn”. Về đất đai, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: “DN ở nông thôn, DN làng nghề cũng đang rất khó khăn trước vấn đề tìm mặt bằng sản xuất. Chúng ta đã có quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chi phí vào đó quá cao, DN nhỏ và vừa không chịu đựng nổi”. Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cũng làm khối DN dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng có xu hướng đổ dồn về đô thị để tận dụng cơ sở hạ tầng và chất xám.

Để phát triển DN ở nông thôn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, về mặt vĩ mô, cần tiếp tục cải thiện các khuôn khổ luật pháp, chính sách đất đai, tín dụng, nhân lực để tạo thuận lợi hơn cho khu vực DN này. Đồng thời, Nhà nước cần gia tăng những hỗ trợ đối với DN thông qua đầu tư về khoa học công nghệ, công tác khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Về phía DN, cần chú trọng tiếp cận thông tin, tăng cường đào tạo về kỹ năng cho người quản lý cũng như lao động.



Theo www.vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường