- Năm 2007: 20,3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam
- Năm 2008: Mục tiêu trọng tâm - Tăng lượng vốn giải ngân
Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn đang triển khai những dự án đầu tư quy mô vào Việt Nam. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT Phan Hữu Thắng đã trao đổi với phóng viên Báo Thương Mại về những vấn đề đặt ra trong năm 2008 đối với công tác thu hút nguồn vốn FDI.
Năm 2007 là năm thắng lợi lớn về thu hút nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế đất nước. Cục trưởng có thể cho biết những nét nổi bật trong công tác thu hút vốn FDI ?
- Theo tôi, điểm nổi bật nhất là công tác thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2007 đã tăng cao một bước cả về lượng và chất. Không chỉ đơn thuần tăng về lượng, đạt mức kỷ lục chưa từng có (20,3 tỷ USD), mà nguồn vốn FDI thu hút trong năm qua còn tăng về chất với việc thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, thu hút được công nghệ nguồn và công nghệ cao. Điều này đã minh chứng một cách rõ nét về sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam đã được nâng cao. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đầu tư ở châu Á trong con mắt của cộng đồng đầu tư quốc tế. Qua kết quả khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư của Hội nghị Thương mại và Phát triển liên hợp quốc (UNCTAD) vừa công bố, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 trong tổng số 141 nền kinh tế được khảo sát (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil).
Điểm đáng chú ý trong bức tranh về FDI ở nước ta trong năm 2007 là đã xuất hiện sự gia tăng đầu tư của các tập đoàn, công ty Nhật Bản và Hoa Kỳ và một số đối tác truyền thống khác như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan... Điều này cho thấy, các tập đoàn xuyên quốc gia quan tâm, sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam biểu hiện bởi làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam với nhiều dự án quy mô vốn lớn từ các nền kinh tế lớn của thế giới.
Một nét đáng chú ý nữa là, quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án đạt trên 10 triệu USD (cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm trước (8,5 triệu USD). Nhiều địa phương đã thu hút được các dự án FDI có quy mô lớn, từ các tập đoàn đa quốc gia. Điểm đặc biệt trong thu hút ĐTNN của năm 2007 là, lượng vốn tăng thêm của các dự án FDI tại Việt Nam chiếm khá lớn. Có gần 400 lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất với số vốn đăng ký tăng thêm trên 1,8 tỉ USD. Trong đó có nhiều dự án tăng vốn lớn.
Cùng với việc gia tăng vốn đầu tư đăng ký mới, tình hình thực hiện các dự án cũng đã có chuyển biến tích cực. Tổng vốn ĐTNN thực hiện trong cả năm đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15,% so với năm trước. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay cả về lượng vốn cũng như tốc độ tăng trưởng.
Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của kết quả thu hút vốn FDI kỷ lục như vậy ?
- Có thể nói, con số 20,3 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2007 là kết quả tổng hòa của tất cả những nỗ lực trong 20 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây. Có một sự trùng hợp khá ấn tượng về con số 20: 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài và hơn 20 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2007. Đây là thời kỳ đơm hoa kết trái sau những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư của nước ta trong những năm qua. Việc áp dụng thống nhất Luật Đầu tư đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài - phù hợp hơn với thực tiễn của đất nước và với thông lệ quốc tế, đã tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, theo đó, loại hình doanh nghiệp được mở rộng, đa dạng dễ dàng cho nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với ý định kinh doanh của mình. Đây cũng là thời kỳ mà cơ sở hạ tầng đầu tư trong những năm qua đã bước đầu phát huy được tác dụng...
Một nguyên nhân quan trọng là uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao hơn nhiều với việc trở thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Mặt khác, việc tăng cường phân cấp đã giúp cho các địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác vận động thu hút và quản lý hiệu quả hoạt động ĐTNN. Việc cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai đồng bộ trong bộ máy quản lý hoạt động đầu tư ở các địa phương theo cơ chế liên thông một cửa và đã đạt kết quả bước đầu: thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn.
Xin Cục trưởng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của công tác thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2008 ?
- Năm 2008, bên cạnh các nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là công tác giải ngân. Năm 2007, chúng ta đã giải ngân được 4,5 tỷ USD, tuy tăng hơn so với năm trước nhưng so với tổng vốn đăng ký thì tỷ lệ giảm đi, chỉ đạt trên 20%.
Trong năm 2008, chúng ta sẽ cố gắng giải ngân đạt mức cao hơn 6 tỷ USD. Để đạt được mức giải ngân này, một loạt các vấn đề cần phải tháo gỡ. Đó là khâu giải phóng mặt bằng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; thủ tục phê duyệt về xây dựng và các thủ tục khác có liên quan đến nhập khẩu máy móc thiết bị; khó khăn trong tuyển dụng lao động để triển khai dự án... Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ phối hợp với các địa phương, rà soát lại các dự án, nhất là những dự án lớn, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục trong đầu tư và các lĩnh vực liên quan, giúp các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc để nhanh chóng triển khai dự án.
Cục trưởng có thể đưa ra dự báo về số vốn FDI vào Việt Nam trong năm tới?
- Hiện đang có nhiều dự án lớn đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Trong năm tới, chúng tôi đặt kế hoạch thu hút 15 tỷ USD vốn FDI. Các bạn có thể hỏi là sao năm nay thu hút được trên 20 tỷ USD mà năm 2008 lại chỉ đặt kế hoạch thu hút 15 tỷ USD? Câu trả lời là, đến giai đoạn này, Việt Nam đã có điều kiện để lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài sao cho có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế đất nước. Giờ đây, chúng ta không chỉ đặt mục tiêu thu hút nhiều vốn FDI mà quan trọng nguồn vốn FDI vào Việt Nam phải phù hợp với khả năng tiếp nhận của nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch của cả nước và quy hoạch của từng địa phương, vùng lãnh thổ.
Năm 2008, chúng ta sẽ tập trung thu hút các dự án giúp Việt Nam giảm khoảng cách về phát triển với các nước trên thế giới. Đó là các dự án quan trọng có quy mô lớn; dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn; chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cầu cảng, sân bay; khuyến khích các dự án đào tạo nguồn nhân lực, y tế; các dự án xây dựng khách sạn cao sao, các khu đô thị…
Trong năm tới, những đối tác mà ta hướng tới vẫn là các tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ nguồn từ Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Đặc biệt, tiếp nối sau các cuộc thăm dò và xúc tiến đầu tư vào Trung Đông trong năm 2007, dự kiến sẽ có các dự án với quy mô khá lớn của các nước Trung Đông sẽ vào Việt Nam trong năm tới. Nhân đây tôi cũng muốn nói đến cách ứng xử với nhà đầu tư khi từ chối các dự án. Vừa qua, một số địa phương đã không tiếp nhận dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch, theo tôi như thế là hoàn toàn đúng. Vấn đề là từ chối như thế nào để người ta tuy không được chấp nhận nhưng vẫn thấy nhẹ nhõm.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!