Các khu vực phát triển kinh tế ở Ấn Độ, quốc gia đang nỗ lực trở thành "rồng lớn", không gặt hái được những thành tựu như các đặc khu kinh tế (SEZ) của Trung Quốc. Nga cũng có mô hình tương tự, nhưng trên thực tế không thu hút được nhiều vốn đầu tư, đặc biệt là ở những khu vực xa thủ đô Matxcơva.
Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình SEZ ở Trung Quốc thành công nhờ sự nhất quán trong các chính sách của chính phủ và sự linh hoạt của các địa phương trong việc áp dụng chủ trương chung. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi. Những yếu tố nằm bên trong các SEZ mới đáng để nói.
Trung Quốc có chủ trương trao toàn quyền tự chủ cho SEZ, cho phép các SEZ hoàn toàn độc lập về tài chính với trung ương và có quyền đề ra những ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, miễn là những ưu đãi đó nằm trong khuôn khổ pháp lý của nhà nước. Sau đó, chính phủ tạo ra một môi trường mà nhờ đó, các SEZ phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút các nhà đầu tư. Cạnh tranh là cơ sở cho sự tồn tại của các SEZ.
SEZ được coi như trung gian giữa chính quyền trung ương và các nhà đầu tư. Sự ra đời và tồn tại của SEZ đã tạo ra một môi trường thống nhất hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay từ năm 1979, Trung Quốc đã từng bước thiết lập một hệ thống pháp lý tương đối toàn diện trong lĩnh vực đầu tư. Hệ thống này bao gồm các chính sách đối với công nghiệp, tài chính và cả chính sách áp dụng cho từng khu vực. Ở cấp độ khu vực, chính SEZ là thực thể kinh tế sở hữu những cơ chế thu hút và duy trì đầu tư nước ngoài thành công nhất.
Ưu đãi về thuế
Trong số những chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế có lẽ là quan trọng nhất. Trong các đặc khu kinh tế, khu công nghệ cao, mức thuế đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp là 15%, trong khi con số đó là 24% ở những vùng duyên hải và các thành phố trực thuộc tỉnh. Các công ty nước ngoài có thể được miễn thuế trong 2 năm đầu kể từ khi bắt đầu có lợi nhuận, và sau đó được giảm một nửa trong 3 năm tiếp theo. Các công ty công nghệ cao được miễn thuế trong 2 năm đầu kể từ khi làm ăn có lãi và được giảm một nửa trong 6 năm tiếp theo.
Những doanh nghiệp xuất khẩu được giảm một nửa thuế thu nhập nếu kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 70% tổng doanh số bán hàng. Các công ty này sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác nếu họ mua những thiết bị được sản xuất trong nước. Các công ty nước ngoài được miễn thuế hoàn toàn nếu họ chuyển giao công nghệ vào Trung Quốc.
Kể từ năm 1991, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cắt giảm thuế nhập khẩu. Từ giữa những năm 90, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát đối trong lĩnh vực tín dụng và ngoại hối. Ngày nay, chính phủ cho phép công ty nước ngoài vay vốn từ các tổ chức tài chính bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Họ cũng được phép giữ lại lợi nhuận bằng ngoại tệ.
Tất cả những chính sách trên tạo thành một mô hình chung cho việc khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, mô hình đó biến tướng ở mức độ khác nhau, khi nó được thực thi ở các địa phương. Các quan chức ở những tỉnh, huyện có SEZ được quyền vận dụng linh hoạt những chính sách của chính phủ.
Hệ thống quản lý hành chính trong các SEZ ở Trung Quốc được đánh giá là hiệu quả, chuyện nghiệp và, quan trọng hơn cả, có quyền tự đưa ra những thay đổi. SEZ không được chính phủ cấp ngân sách nên buộc phải thu hút càng nhiều vốn đầu tư càng tốt. Trên thực tế, các SEZ đã áp dụng rất nhiều biện pháp để mời gọi đầu tư, từ việc cung cấp các dịch vụ giải đáp về thủ tục, chính sách tới việc công bố rộng rãi các ưu đãi tới các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Tô Châu - ví dụ điển hình
Khu công nghiệp Tô Châu, được thành lập năm 1994, là một trong những SEZ có tốc độ phát triển nhanh nhất và có tính cạnh tranh nhất không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên cả thế giới. Nhiều người gọi Tô Châu là "một trong 9 thành phố công nghệ cao mới của thế giới" và "thung lũng Silicon mới".
Tô Châu được quyền tự chủ rất cao trong việc phê chuẩn dự án đầu tư. Lãnh đạo khu công nghiệp có quyền phê chuẩn tất cả dự án đầu tư nước ngoài, miễn là chúng nằm trong khuôn khổ chính sách của đất nước. Cơ chế quản lý hành chính rất linh hoạt và hiệu quả. Các cơ quan công quyền có thể giúp đỡ nhà đầu tư nước ngoài lấy hộ chiếu vào Trung Quốc. Thủ tục đăng ký đầu tư được hoàn tất trong 3 ngày.
Khu công nghiệp được trang bị một hệ thống hậu cần hiện đại và toàn diện. Khu vực hải quan độc lập và trung tâm hậu cần được gắn kết với nhau rất khoa học. Tô Châu cũng là nơi đi tiên phong trong việc xây dựng hệ thống thông quan điện tử và sở hữu một trong 15 khu chế xuất đầu tiên ở Trung Quốc. Nằm ở vùng châu thổ sông Dương Tử, khu công nghiệp Tô Châu có một hệ thống giao thông hoàn hảo gồm đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và đường không. Nguyên liệu thô và bán thành phẩm được vận chuyển và trao đổi tự do trong khu chế xuất. Những hàng hóa, máy móc, thiết bị được trao đổi giữa khu chế xuất Tô Châu với những khu chế xuất khác cũng được miễn thuế.
Tô Châu chủ trương thu hút những ngành công nghệ cao, chẳng hạn như phần mềm, công nghệ sinh học, công nghệ gene và các viện nghiên cứu & phát triển. Nhiều công ty sản xuất phụ tùng ô tô cũng đã có mặt ở đây.
Cơ cấu đầu tư ở Tô Châu như sau: 42% từ Mỹ và châu Âu, 18% từ Singapore, 13% từ Nhật Bản và Hàn Quốc, 27% từ Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan và các nơi khác.
Đây là nơi duy nhất ở Trung Quốc có chính sách hoàn thuế xuất khẩu. Các công ty cũng không phải nộp thuế khi nhập khẩu nguyên liệu thô nếu họ dùng chúng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Câu chuyện của Honda
Để minh họa cách giới chức ở các địa phương có thể điều chỉnh những quy định của chính phủ để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, người ta hay nhắc tới trường hợp nhà máy liên doanh của Honda tại Khu phát triển Quảng Châu. Trước năm 2004, luật đầu tư đối với ngành công nghiệp ôtô quy định một công ty nước ngoài không được sở hữu quá 50% vốn trong công ty liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng Honda, do hưởng ưu đãi đặc biệt trong Khu vực phát triển Quảng Châu, được sở hữu tới 65% vốn trong công ty liên doanh.
Honda được đối xử đặc biệt do chính quyền Quảng Châu đã trình lên chính phủ một số yêu cầu nhân danh công ty. Quyết định cho phép Honda sở hữu 65% vốn trong liên doanh được coi là một ngoại lệ đối với Bắc Kinh. Lý do khá đơn giản, nhà máy mà Honda xây dựng tại Quảng Châu sẽ sản xuất hàng để xuất khẩu. Năm 2004, luật đầu tư mới ra đời, cho phép các công ty sản xuất ô tô nước ngoài sở hữu tới 70% vốn trong công ty liên doanh nếu sản phẩm của họ được xuất khẩu ra nước ngoài.
Trường hợp của Honda cho thấy những chỉ thị của chính phủ không được coi là mệnh lệnh trực tiếp khi xuống tới các địa phương. Chính quyền tại các đặc khu kinh tế có thể thay đổi, thỏa thuận với chính phủ nhân danh các nhà đầu tư. Họ luôn áp dụng các chỉ thị từ trung ương với sự linh hoạt cao nhất.