Ông có thể cho biết những mục tiêu lớn nhất mà ngành dệt may kỳ vọng đạt được trong năm nay?
Năm 2008, chính phủ và Bộ công thương đã giao kế hoạch toàn ngành dệt may VN là 9,5 tỷ USD trong đó Tập đoàn dệt may VN đang xây dựng kế hoạch phấn đấu từ 1,7 tỷ đến 1,8 tỷ USD xuất khẩu, cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm bớt xuất khẩu sang thị trường Mỹ để giảm bớt rủi ro, mở rộng thị trường Nhật Bản cũng như các thị trường mới như Úc, Nam Phi, Nam Mỹ…
Về các rào cản vào thị trường Mỹ, ông có thể nói đôi nét những chủ trương của chúng ta trong năm nay?
Thực ra Mỹ đã bỏ quota cho ngành dệt may rồi nhưng hiện nay đang áp dụng việc giám sát việc bán phá giá. Cơ chế giám sát này đã áp dụng 6 tháng và chưa phát hiện một dấu hiệu nào cho thấy hàng dệt may VN bán phá giá, người ta sẽ có kết luận tiếp theo vào tháng 3/2008. Chúng tôi cũng đã tích cực hợp tác với phía Mỹ để họ có đánh giá tích cực và chính xác về ngành dệt may VN.
Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc được bỏ quota vào năm nay và Hiệp hội dệt may VN đã có kế hoạch gì cho việc này?
Chắc chắn khi Trung Quốc được châu Âu bỏ quota vào năm nay và được Mỹ bỏ quota vào sang năm thì sức mạnh của họ sẽ tăng rất lớn, phát triển rất nhanh ở thị trường thế giới và thị phần của một số nước sẽ bị thu hẹp vì sự phát triển của Trung Quốc. VN chúng ta cố gắng sẽ không để bị thu hẹp thị phần vì sự phát triển của Trung Quốc nhưng thực sự đây là một thách thức lớn đối với dệt may VN.
Chính phủ đã có đề án phát triển cây bông nhưng trên thực tế diện tích cây bông lại bị thu hẹp. Ông có thể lý giải vấn đề này?
Giữa cái mà chúng ta mong muốn và thực tiễn nhiều khi khác nhau. Chúng ta mong muốn trồng nhiều bông hơn ở VN để chúng ta chủ động nguồn nguyên liệu bông. Nhưng trên thực tế ngành bông 2 năm gặp hạn hán nghiêm trọng làm người nông dân chán nản. Kế tiếp là việc giá cả của cây bắp tăng tới 250% trong vòng 2 năm vừa rồi cho nên tạo một sức hút lớn, người nông dân muốn trồng bắp hơn trồng bông. Để giải quyết vấn đề này, ngành dệt may đã trình chính phủ chiến lược sản xuất cây bông một cách cơ bản tức là không quá phụ thuộc vào người nông dân mà xin đất lập các nông trại để chủ động ổn định trồng bông.
Cho đến nay, ngành dệt may đã có kế hoạch đối phó như thế nào với việc giá cả nguyên liệu được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, thưa ông?
Đây là một thách thức lớn. trong năm 2007, nguyên liệu đã tăng 30, 40% trong khi giá cả đầu ra không tăng thậm chí giảm do cạnh tranh lớn. Năm 2008, chúng tôi nghĩ rằng giá cả nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng vì giá dầu hiện nay đã tăng quá 100 USD/ thùng. Vậy làm sao giải quyết bài toán này, khi chắc chắn giá đầu ra không tăng, giá đầu vào lại tăng. Có 2 giải pháp, 1 là tăng năng suất lao động, 2 là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, phải làm ra được những mặt hàng có tính năng khác biệt cao hơn, đáp ứng được nhiều nhu cầu của người tiêu dùng để chúng ta có cơ sở tăng giá bán phù hợp với giá trị sử dụng của nó.
Ngoài việc thiếu nguyên liệu, một hạn chế khác của ngành dệt may là tính liên kết của các Doanh nghiệp (DN) trong ngành. Vậy Hiệp hội có vai trò như thế nào trong vấn đề này?
Hiện nay, việc liên kết các DN trong ngành dệt may đã có nhưng cần phải chặt chẽ hơn và Hiệp hội chính là một nhân tố tích cực để giúp cho sự liên kết này. Từ 2 năm trước Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã đưa ra ý tưởng thành lập các chuỗi liên kết để phân công thị trường, chống việc khách hàng xé lẻ phá giá. Hiện nay chuỗi liên kết này đang dần được hình thành. Đặc biệt là việc hình thành Tập đoàn dệt may VN, một liên kết lớn nhất trong Hiệp hội dệt may vì Tập đoàn hiện nay có đến khoảng 100 đơn vị là những công ty liên kết cùng với Tập đoàn để thực hiện các chiến lược. Tôi tin rằng với cơ chế hình thành tập đoàn và tạo 1 liên kết chặt chẽ hơn thì chắc chắn vấn đề liên kết trong ngành dệt may sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Trong năm nay, Vinatex đã có những kế hoạch gì nhằm tăng nội địa hóa, giảm bớt nhập siêu trong ngành dệt may?
Trong sơ đồ tổ chức của Vinatex hiện nay có 1 điểm mới là chúng tôi có 9 nhóm sản phầm, 9 nhóm ngành hàng trong đó ngành hàng nguyên liệu và phụ liệu. Như vậy chúng tôi chủ trương tăng tốc việc sản xuất nguyên liệu và phụ liệu tại VN mà tăng tốc bằng cách là sẽ liên kết tất cả các đơn vị trong và ngoài nước. Tôi tin rằng mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt được trong năm tới. Chúng tôi sẽ có những nhà máy sản xuất vải mới, nhà máy sản xuất phụ liệu mới ra đời và hiện nay các dự án đó đều đang được triển khai.
Với không ít những khó khăn hiện tại, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu 9,5 tỷ USD cho năm 2008?
Tôi nghĩ rằng Chính phủ đã có cam kết đồng hành với DN như lời bộ trưởng Bộ Công thương, nếu DN có một sự nỗ lực thực sự nữa thì mục tiêu này là hoàn toàn có thể đạt được.
Xin cảm ơn ông!