Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tại sao chỉ có Vinamit và Vinaga?
11 | 01 | 2008
Nước ta la một nước nông nghiệp với 75% cư dân sống ở nông thôn. Họ đang là đối tượng nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất trong đời sống. Cả một năm trời bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà chỉ thu được từ 1 sào đất khoảng nửa triệu đồng. Không bằng 30 USD (!). Vì sao vậy?


Bởi vì nông dân đang làm ăn quá nhỏ với 70 triệu thửa ruộng manh mún và giá thóc gạo kể cả loại để xuất khẩu cũng quá rẻ. Mục tiêu 50 triệu đồng/ha do Bộ NN&PTNT đề ra đâu có dễ thực hiện nếu không chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cây mít trước đây chỉ là cây trồng chơi lấy bóng mát trong vườn và để ăn trong gia đình. Từ khi có công nghệ sấy mít để xuất khẩu Công ty VINAMIT đã giúp nhiều gia đình nông dân trở nên giàu có. Có không ít gia đình thu nhập từ mít tới 100 triệu đồng/ha. Công ty VINAGA do một BS quân y sáng lập ra để chiết xuất dầu gấc chứa nhiều caroten (tiền vitamin A) rồi đóng thành viên nang xuất khẩu cũng đã làm cho nhiều làng quê rợp mát bởi các dàn gấc trên đường làng, trên mặt ao và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân. Một nông dân ở Ghẽ (Hải Dương đã thuê 5ha ruộng lúa (400 nghìn đồng/sào/năm) để trồng giống đu đủ lai Hồng Phi (Đài Loan) và thu về 1 tỷ đồng/năm. Anh hỏi tôi: Nếu cháu thuê hẳn vài chục ha để trồng đu đủ thì liệu có công ty nào thu mua để làm ra các hộp nước đu đủ để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hay không? Tôi chưa tìm ra được câu trả lời vì chưa thấy Công ty nào có tên là VINAĐU (!)

Các báo hôm nay đồng loạt đưa tin về việc ngày 7.9 tại Hà Nội, lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức một hội nghị lớn bàn giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ khối Doanh nghiệp dân doanh. Từ sau khi có Luật Doanh nghiệp , số lượng DN dân doanh ngày càng hùng hậu và lớn mạnh, song có một thực tế nằm trong bản thân các DN là nguồn lực hạn chế để có thể cạnh tranh trên thương trường trong nước, chưa nói đến ra bên ngoài.


Theo ghi nhận tại Hội nghị, đến nay nhiều cơ quan chức năng đã tăng cường những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Ông Trương Văn Đoan - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, liên quan đến mô hình "một cửa liên thông" trong đăng ký kinh doanh, Bộ KHĐT đang kiến nghị cải cách theo hướng đơn giản hoá. Ngay trong năm nay, các địa phương đã thực hiện quy trình "3 trong 1": Cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, cấp giấy phép khắc dấu cho DN, rút ngắn thời gian giải quyết công việc xuống tối đa 15 ngày, tiến tới tích hợp ĐKKD, mỗi DN chỉ cần một mã số duy nhất duy trì hoạt động.


Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, sẽ thực hiện công khai hoá và minh bạch hoá các thủ tục hành chính, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích DN dân doanh hạn chế thanh toán tiền mặt, chuyển qua thanh toán qua ngân hàng để minh bạch hoá khâu nộp thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị, một dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về phát triển DN dân doanh cũng được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải tập trung chỉ đạo, thực hiện bằng được các giải pháp như kiểm tra, rà soát các văn bản, quy phạm pháp luật không còn phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho việc thành lập và phát triển sản xuất kinh doanh...


Ngay trong quý IV/2007, Bộ KHĐT chủ trì phối hợp với các bộ liên quan xây dựng cơ chế đăng ký hợp nhất theo hướng một đầu mối, một bộ hồ sơ duy nhất cho việc đăng ký thành lập DN. Quý I/2008, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa, quy định việc hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực này. Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng trình Chính phủ đề án trợ giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại và xây dựng chương trình nâng cao năng lực tiếp cận vốn cho các DN dân doanh. Dự thảo dự kiến trình lên Thủ tướng trong quý II/2008.


Hy vọng rằng sau cuộc Hội nghị quan trọng này nhiều DN vừa và nhỏ sẽ được tiếp sức và được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đến được với nguồn lực dồi dào của nông dân nước ta , tập trung đầu tư cho việc chế biến các loại nông sản phẩm- khâu yếu nhất hiện nay và cũng là nguyên nhân lớn nhất làm cho đa số nông dân cứ loay hoay mãi với câu hỏi Trồng cây gì? Nuôi con gì ? mà chưa có được những lời giải đáp thỏa đáng.


Từ nay đến mốc thời gian 2020 chỉ còn chưa đầy 13 năm. Với 70 triệu thửa ruộng manh mún, nhỏ bé chúng ta nếu không quyết tâm tìm cách tích tụ ruộng đất, sản xuất nhiều nông sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao hơn gạo nhiều lần thì không thể nào hy vọng đạt được mục tiêu công nghiệp hóa , hiện đại hóa Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân như mục tiêu đã đề ra.


GS. Nguyễn Lân Dũng


Báo cáo phân tích thị trường