Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đại tướng, doanh nhân, và... chuyện mít Việt ra thế giới
01 | 10 | 2007
Chọn con đường gắn bó với nông dân để tạo dựng cơ nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Cty Vinamit - đã tạo cơ hội cho hàng vạn nông dân có đời sống khấm khá hơn. Cây mít trở thành cây xóa đói giảm nghèo…

Vị tướng thương dân

Chiều 19/9/2007, tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, đã được vinh dự đến báo cáo thành tích phát triển vùng trồng mít, hỗ trợ cuộc sống người dân trồng mít, biến thứ trái cây dân dã Việt Nam thành sản phẩm xuất khẩu quốc tế mang về hàng chục triệu đô-la mỗi năm, góp phần thay đổi cuộc sống tốt hơn cho người nông dân.

Đại tướng đã rất vui chúc mừng Cty Vinamit và dí dỏm nói: Cty Vinamit nhân rộng mô hình, thu mua nhiều mít hơn, xuất khẩu nhiều mít hơn để Việt Nam ta không còn mít nữa.

Còn nhớ, năm 1975 giải phóng miền Nam, đất nước sạch bóng quân thù, Đại tướng được giảm bớt trách nhiệm tại Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, những công việc mà ông đã gánh vác kể từ năm 1946.

Có thời gian rảnh rỗi, đến thăm và làm việc với các tỉnh miền Trung gian khó tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năm 1977, từ những kinh nghiệm của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn bà con nông dân nên lưu ý phát triển cây mít là loại cây rất hữu ích, toàn bộ cây - trái - vỏ - hạt đều có giá trị nhiều mặt cho cuộc sống, đặc biệt trong tình hình khó khăn thiếu thốn của đất nước lúc đó.

Tuổi cao, sức yếu nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không ngừng dõi theo từng bước phát triển của đất nước, trong đó cuộc sống hiện nay của những người nông dân luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Đại tướng nhận ra mặt trái của quá trình CNH, đô thị hóa trong quá trình phát triển nói chung của mọi quốc gia. Ông nói: “Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn lắm, nhưng tôi cho rằng, chúng ta chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề, nên chưa quan tâm đúng mức để có chính sách, biện pháp giải quyết vấn đề cho nông dân. Và có thể nói như vậy là chúng ta có lỗi với bà con”.

Đại tướng phân tích: “Với người nông dân, đất đai là tài sản duy nhất, cuộc sống của họ đời này sang đời khác bám vào mảnh vườn, thước ruộng. Lấy đi đất đai thì phải tìm ra cách giải quyết ổn thỏa lâu bền cho người nông dân, không được để họ thiệt thòi!”. Nhà văn Sơn Tùng cho biết, Đại tướng vẫn thường nói: “Thương nhất là người nông dân”.      

Ông Nguyễn Lân Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nói: Mít là một trong những loại cây trồng phổ biến nhất ở Việt Nam. Vậy nhưng, nhiều đơn vị khoa học cũng loay hoay đủ cách vẫn rất bế tắc hướng tiêu thụ của quả mít. Vấn đề bị chìm đi ngót 30 năm.

Tới nay, như nhiều người đã biết, một nhà doanh nghiệp - Ông Nguyễn Lâm Viên đã dồn công sức và trí tuệ để đưa cây mít lên tầm cao mới. Điều mà ông Viên làm được là đã tìm ra cách chế biến để mít thành một loại hàng hóa hấp dẫn. “Ông Viên chính là người đã thực hiện được ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cây mít…”- Ông Nguyễn Lân Hùng nói.

Và chuyện người đổi mít lấy… tiền “đô”

Khoảng cuối năm 1989 đầu 1990, ông Viên khăn gói qua Đài Loan học công nghệ sấy chân không áp dụng trong chế biến nông sản. Nông sản là những mặt hàng thường có giá trị thấp. Nhưng ông đã có ý tưởng chọn trái mít, và về sau thêm củ khoai lang, khoai môn, chuối, xoài... để chế biến và xuất khẩu.

“Sau khi rời Nông trường Sông Ray về TP Hồ Chí Minh vào năm 1985, tôi làm Tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm. Nguyên liệu là cây mây, cây gỗ trong rừng, chặt mãi rồi cũng hết, trong khi cây trái của nông dân ăn không hết, bán lại rẻ, tôi nghĩ sao không tận dụng nguồn nguyên liệu đó. Mình là dân nông lâm, hiểu nông dân, nên làm ăn với nông dân chắc cú hơn” - Ông Viên kể.

Đề án tốt nghiệp khóa học ở Đài Loan của ông là Mít. Đối với ông, mít là một cây xóa đói giảm nghèo. Cũng bởi cây mít dễ trồng, hạt quăng ra vườn là sẽ có một cây mít mọc lên. Cây mít cho người trồng tất cả: múi mít đưa vào ăn tươi, hoặc chế biến đều giữ được mùi thơm độc đáo riêng; vỏ, ruột và hạt trái mít làm thức ăn cho gia súc hoặc phân bón; gỗ mít làm đồ mỹ nghệ.

Nhờ mua được thiết bị chế biến trái cây sấy khô trả chậm, Cty Đức Thành của ông đã khai sinh. Ngay sau đó, ông cho ra lò hai mặt hàng đầu tiên là mít và chuối sấy khô. “Trở về, tôi nghĩ mình không tiền, nhưng vốn thì chẳng thua ai. Vốn của tôi là kiến thức đã học từ Đài Loan về công nghệ chân không và mặt hàng mít sấy lần đầu tiên có mặt tại Đông Nam Á đang ấp ủ trình làng."

"Một nguồn vốn quan trọng nữa là khách hàng. Họ chuộng hàng mình, tin mình thì sẽ ứng tiền trước. Tôi còn đi bỏ mối đồng hồ, buôn xe máy để góp từng đồng dành khởi nghiệp. Năm 1992, nhà máy được xây dựng ở Thủ Đức, lúc đó tôi mới gom được 4.000 USD trong tay” - Ông Viên cho biết.

Khi có sản phẩm rồi, ông Viên đích thân đem Vinamit đi tìm “thượng đế” của mình. Thời ấy, hàng hóa Việt Nam hầu như vẫn còn thói quen chờ khách hàng tìm đến, nhưng ông đã nghĩ ngược lại.

Vinamit được mang sang chào hàng ở các chợ đầu mối bên Đài Loan, nhưng các bạn hàng lắc đầu, do họ chưa biết tới mít. Ông đành phải mang ra bày bán tại vỉa hè. Các bà nội trợ Đài Loan đã xúm nhau nếm thử và mua Vinamit. Các nhà buôn đã chứng kiến cảnh đó, họ đã không bỏ lỡ cơ hội, vậy là Vinamit tìm được chỗ đứng.

Sang Trung Quốc, ông lại đưa sản phẩm của mình tới khách hàng trên những chuyến xe lửa, đơn giản ông nghĩ hành khách có thêm Vinamit nhâm nhi sẽ vơi đi nỗi mệt đường dài. Và rồi những chuyến xe lửa như vậy đã đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc. Bây giờ thì nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống, nơi đó có sản phẩm của Vinamit.

Sản phẩm thì không chỉ có mít, chuối sấy khô, mà còn là khoai lang, dứa, khoai môn, xoài, cà rốt, đu đủ, khổ qua, táo, cà chua, bí sấy, cùi dưa dẻo, ổi dẻo… Sản phẩm tự nhiên, không một chút hóa chất, không chứa các chất phụ gia gây hại, hàm lượng đường và chất béo thấp, thích hợp cho cả mục đích ăn nhẹ, ăn no hay ăn kiêng…

Đó chính là những giá trị về sức khỏe mà ông Viên muốn mang đến cho khách hàng từ sản phẩm của mình. “Ngay cả các siêu thị lớn ở Nhật Bản ban đầu cứ yêu cầu công bố dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng nói thiệt, nông dân mình trồng mít, trồng chuối... ai dư hơi đâu mà phun thuốc trừ sâu”- Ông nói.

Trái cây Việt Nam - thức ăn nhanh thế giới - đó chính là ước vọng của ông chủ Vinamit. Theo Tổng Giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên, trong thời gian tới Cty này sẽ tiếp tục lấy sự độc đáo và khác biệt làm ưu thế cạnh tranh để xác định vị trí của mình trên thị trường thức ăn nhanh thế giới.

Ông nói, xu hướng công nghiệp, khiến cho người dân ở các nước phát triển phải chọn thức ăn nhanh (fast food). Thức ăn nhanh được chế biến từ trái cây lại được ưa chuộng, đơn giản vì người Âu, Mỹ thích ăn những loại thực phẩm ít dầu, mỡ,và có gì thích bằng được ăn trái cây vùng nhiệt đới rất tốt cho sức khỏe.

Nếu như chế biến trái cây Việt Nam trở thành fast food thì triển vọng mở ra rất lớn cho nông dân. Theo ước tính của ông Viên, toàn bộ sản lượng trái cây ở Nam bộ (6 triệu tấn) nếu có một chiến lược quy hoạch tốt sẽ trở thành một nguồn nguyên liệu vô tận.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường