Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới năm 2007 và dự báo 2008
22 | 01 | 2008
Thị trường cao su thiên nhiên thế giới biến động rất mạnh trong năm 2007, theo xu hướng tăng, tiếp diễn từ năm 2006. Mức giá cao nhất trong năm là 260 Uscent/kg đạt được vào ngày 7/11 (loại RSS3 của Thái Lan). Tính chung trong năm 2007, giá cao su tăng khoảng 25%, tức là khoảng 50 Uscent/kg. Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2001 - mức thấp nhất của 30 năm - tới nay.

Thời tiết năm 2007 bất lợi và giá dầu mỏ tăng cao kỷ lục tác động tới thị trường cao su thế giới. Giá cao su tự nhiên tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2007 do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu vững, và chỉ giảm trong 2 tháng 6 và 7, trước khi tiếp tục xu hướng tăng mạnh cho đến cuối năm. Ở những tháng cuối năm, khi sản lượng thường tăng theo yếu tố mùa vụ, mưa bất thường và lũ lụt vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động khai thác mủ cao su, và ảnh hưởng tới cả việc vận chuyển. Giá dầu thô tăng cao kỷ lục cũng khích lệ hoạt động mua cao su thiên nhiên để thay thế cao su tổng hợp - một sản phẩ của dầu mỏ.

Thị trường năm 2007 khá cân đối giữa cung và cầu. Nhu cầu cao su khá mạnh mạnh. Khách hàng Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều tích cực mua, song hầu hết chỉ mua ít một mặc dù lượng dự trữ trong kho của các nhà sản xuất lốp xe còn rất ít, bởi giá cao. Trong khi đó ở nhiều thời điểm người bán không thể ký hợp đồng bán bởi lo ngại không đảm bảo được nguồn cung. Bên cạnh Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng tìm mua cao su SIR20, còn các hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới tìm kiếm hàng để làm đầy kho dự trữ hiện đang còn rất ít của mình. Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới - đã nhập khẩu 1.350.000 tấn cao su từ tháng 1 đến hết tháng 10/2007, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2006.

Ước tính tiêu thụ cao su thế giới tăng tới 9,7 triệu tấn năm 2007, tức là tăng khoảng 4% so với năm 2006. Kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo các ngành hàng đều phát triển, kể cả hoạt động khai thác mỏ, đẩy nhu cầu lốp xe tăng lên. Do tiêu thụ tăng, cung sẽ trở thành vấn đề khó giải quyết. Cao su tổng hợp vẫn đắt vì nó được sản xuất từ dầu thô.

Về nguồn cung, sản lượng cao su thế giới năm 2006 đạt 9,7 triệu tấn, song sản lượng năm 2007 và năm 2008 sẽ vẫn chỉ ở mức đó. Sản lượng của Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, có thể giảm 1,5% xuống khoảng 3 triệu tấn trong năm 2007 do mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch mủ. Sản lượng cao su Thái lan còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực ở các tỉnh miền nam Thái lan, nơi chiếm khoảng 10% sản lượng cao su quốc gia. Năm 2007, nguồn cung ở Indonexia khả quan hơn cả so với hai nước kia, cộng với giá rẻ hơn, nên hấp dẫn được nhiều khách hàng. Song nhiều lúc các nhà xuất khẩu Indonexia cũng bất lực vì không có hàng để bán.

Nhu cầu cao su ở Trung Quốc và Ấn Độ đang bùng nổ. Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm trong 4 năm qua. Diện tích và sản lượng cao su của nước này tăng liên tục, song vẫn phải nhập khẩu từ Đông Nam Á mới đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó ở Trung Quốc, kinh tế bùng nổ đang hỗ trợ giá cao su hồi phục và nhu cầu tăng. Ngành lốp xe chiếm khoảng 60% tổng tiêu thụ cao su của nước này. Có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ nội địa. Là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, nhập khẩu cao su thiên nhiên của Trung Quốc năm 2007 ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng so với 1,6 triệu tấn năm 2006, để làm nguyên liệu sản xuất mọi thứ, từ lốp xe tới giày thể thao. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc năm 2007 ước tăng khoảng 12% so với 2,1 triệu tấn năm 2006. Trung Quốc đang nổi lên thành nước xuất khẩu xe hơi lớn và sản lượng lốp xe đã tăng trên 20% mỗi năm trong mấy năm qua. Năm 2006, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 2 thế giới, với lượng tiêu thụ ô tô đạt 7,2 triệu chiếc, còn sản lượng đạt 7,3 triệu chiếc. Từ 2007 đến 2010, dự báo nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7 đến 10% mỗi năm.

Tại Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, bà Trần Thị Thuý Hoa, cũng cho rằng xuất khẩu cao su Việt Nam có thể không đạt mục tiêu 780.000 tấn trong năm 2007 do khó khăn về nguồn cung ở các nước láng giềng, làm giảm lượng nhập khẩu. Song Việt Nam sẽ vẫn sản xuất 600.000 tấn cao su trong năm 2007, tăng so với 553.500 tấn năm 2006. Việt nam xuất khẩu 80% sản lượng mủ cao su của mình và mua cao su từ Thái lan, Campuchia và Indonexia để tái xuất khẩu. Khoảng 64% lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, Việt Nam sẽ tăng sản lượng cao su nguyên liệu – dùng để sản xuất lốp xe và giày dép – lên 700.000 tấn trong vòng 3 năm, so với 540.000 tấn năm 2006, tức là tăng 30% từ nay tới 2010. Nhu cầu cao và giá cao su thiên nhiên tăng mạnh mấy năm gần đây đã khuyến khích chính phủ hỗ trợ việc tăng diện tích trồng cao su, kể cả ở những nước láng giềng như Lào và Campuchia.

Năm 2007 thị trường thị trường cao thế giới đã từng xôn xao về việc Chính phủ Mỹ thu hồi trên 450.000 lốp xe do Trung Quốc sản xuất do chất lượng kém. Đây là sản phẩm lốp xe do Công ty Cao su Zhongce Hàng Châu sản xuất. Đây là những sản phẩm không có đủ hoặc thiếu hẳn dải keo dính để giữ cho lốp xe không bị tách đôi. Loại lốp xe này của Trung Quốc được tiêu thụ tại thị trường Mỹ dưới một số tên bao gồm Westlake, Telluride Compass và YKS. Đã có một số người gặp tai nạn trong khi lái những chiếc xe sử dụng những chiếc lốp xe mang những nhãn hiệu này. Vụ việc này đã gióng một hồi chuông cảnh báo về chất lượng lốp xe ô tô.

Một thông tin khác cũng rất thu hút sự chú ý của toàn ngành, đó là việc Việt Nam và Malaysia đang hợp tác cùng phát triển ngành cao su. Mới đây, đoàn đại biểu các quan chức Bộ Đồn điền và hàng hóa Malaysia cùng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thương mại ngành cao su nước này đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu khả năng phối hợp kinh doanh. Malaysia là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về diện tích và sản lượng sản xuất cao su thiên nhiên. Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất cao su thiên nhiên (NR) lớn trên thế giới, riêng xuất khẩu cao su xếp thứ 4 sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Malaysia có ngành chế biến cao su rất phát triển, trong khi ngành này ở Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai. Sự hợp tác giữa hai nước sẽ tạo điều kiện cho ngành cao su hai nước dựa vào nhau cùng phát triển.

Triển vọng thị trường cao su thiên nhiên năm 2008 sẽ tiếp tục khả quan bởi 3 yếu tố: giá dầu mỏ cao, nhu cầu của các nước tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh, và nguồn dự trữ ở cả các nước sản xuất và các nhà nhập khẩu, nhất là các hãng sản xuất lốp xe, đều eo hẹp, do giá quá cao vào năm 2007 khiến người mua không dám mua nhiều nên không củng cố được kho dự trữ. Tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới năm 2008 sẽ đạt khoảng 10,1 triệu tấn, trong khi sản lượng sẽ chỉ khoảng 9,7-9,8 triệu tấn.

Việc trồng mới cao su ở một số nước bị hoãn lại do thời tiết thất thường, hạn chế về đất trồng, nguồn nhân lực lao động cũng hạn chế, chi phí tiền lương cao và tình trạng an ninh bất ổn….dường như lợi cho việc tăng sản lượng vào năm 2008. Nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, Indonexia, có thể chỉ duy trì mức sản xuất 2,8 triệu tấn của năm 2007 vào năm 2008 do những thay đổi thời tiết và năng suất thấp. Hiện vẫn chưa rõ sản lượng của Thái Lan năm 2008 sẽ như thế nào, vì điều đó còn phụ thuộc vào thời tiết.

Nguồn cung cao su thiên nhiên dự báo sẽ còn khan hiếm ít nhất cho tới 2012. Một số nhà phân tích dự báo giá cao su sẽ tăng khoảng 18% trong năm 2008, lên 3 USD/kg so với khoảng 2,5 USD/kg (cao su RSS3 của Thái lan - loại dùng tham khảo cho giá cao su physical) hiện nay.

Giá cao su physical, U.S cent/kg, FOB:

Xuất xứ
Loại
31/1/07
10/1/07
Thailand
RSS3
252
193
Indonesia
SIR 20
220
183
Malaysia
SMR20
248
185


Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường