Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thử dò đoán tỉ giá, lãi suất...
10 | 03 | 2008
Người dân và doanh nghiệp đang "vắt óc giải mã” các chính sách về tiền tệ mới được ban hành, để qua đó có đối sách phù hợp, khai thác thuận lợi, hạn chế rủi ro...
Các chính sách mới được Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành liên quan đến tỉ giá, lãi suất, tín dụng... tới đây sẽ làm thay đổi rất lớn hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng... Dưới đây là một số nhận định ban đầu...

USD mất giá cỡ nào?

USD còn mất giá thêm nhưng doanh nghiệp và người dân đang đoán tỉ giá sẽ còn bao nhiêu. Các dự đoán thêm rối khi có sự khác nhau về tỉ lệ dao động của tỉ giá VND/USD. Trong công văn 319 về tăng cường chống lạm phát, Chính phủ đưa ra biên độ dao động là +/-2%. Nhưng mới đây nhất, NH Nhà nước lại công bố tăng biên độ dao động tỉ giá từ +/-0,75% lên +/-1%, áp dụng từ 10-3. Có gì khác nhau giữa hai con số này?

Biên độ +/-1% là dao động cho phép của tỉ giá trong ngày so với tỉ giá do NH Nhà nước công bố. NH thương mại căn cứ vào tỉ giá do NH Nhà nước công bố và áp dụng biên độ +/-1% để tính ra giá mua bán USD trong ngày với người có USD. Như vậy, NH Nhà nước có hai "chốt" để điều hành tỉ giá: tỉ giá ngoại tệ được công bố hằng ngày và biên độ +/-1%.

Còn biên độ +/-2% là tín hiệu cho thấy giá USD trong năm 2008 (cuối năm so với đầu năm) sẽ biến động trong mức này. Thị trường thừa USD, tỉ giá sẽ theo biên độ âm, cuối năm so với đầu năm có thể giảm 2%. Giá USD đầu năm là 16.010, thì cuối năm có thể chỉ còn 15.690 đồng/USD. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu còn phụ thuộc NH Nhà nước có sử dụng hết biên độ Chính phủ cho phép. Tính từ đầu năm đến nay, USD đã mất giá khoảng 0,6%. Xu hướng này cho thấy lợi nhuận của nhà xuất khẩu sẽ giảm đi nhưng lại có lợi cho nhà nhập khẩu. Người vay USD được lợi nhưng người giữ USD lại bị thiệt.

Lãi suất sẽ giảm

Khả năng lãi suất (LS) sẽ giảm là rất lớn khi Chính phủ đã công bố không chấp nhận LS cao. Dù lạm phát cao nhưng mức tăng LS trong những ngày qua là vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Trần LS huy động đã được ban hành là 12%/năm, nhưng tới đây các NH sẽ buộc phải quay trở lại nguyên tắc kỳ hạn ngắn LS thấp, kỳ hạn dài LS cao thay vì cào bằng như hiện nay. Có thể LS sẽ còn giảm thêm khi NH Nhà nước triển khai chỉ đạo của Chính phủ về kéo LS xuống.
NH Nhà nước cũng đã đưa ra tín hiệu kềm LS khi tháng 3-2008 các mức LS cơ bản không thay đổi dù LS trên thị trường trước đó tăng mạnh. Đồng thời nơi này cũng công bố trần LS trên thị trường mở sẽ giảm chỉ còn 9-10%/năm, các mức dự trữ bắt buộc - yếu tố ảnh hưởng đến LS - tạm thời chưa thay đổi.

Hạn chế tiêu dùng hàng ngoại

Việc cho VND tăng giá sẽ giúp giá hàng nhập khẩu rẻ hơn. Một sản phẩm có giá 100 USD, tỉ giá là 16.200, giá bán tại VN là 1,62 triệu đồng, nhưng nếu chỉ còn 15.800 thì giá bán là 1,58 triệu đồng. Dự kiến năm 2008 nhập siêu lên đến 17 tỉ USD. Nhập siêu sẽ giúp thị trường có thêm nhiều hàng hóa để giảm bớt lạm phát, nhưng nhiều quá lại gây khó cho hàng trong nước.

Do vậy, Chính phủ sẽ kiểm soát nhập khẩu để giảm nhập siêu, hạn chế những mặt hàng tiêu dùng không cần thiết. Đồng thời NH cũng sẽ thắt chặt hơn cho vay tiêu dùng. NH Nhà nước đang có kế hoạch thanh tra hoạt động cho vay tiêu dùng của NH. Hiện nhiều NH qui mô nhỏ đã siết cho vay mua ôtô. Cho vay tiền để đầu tư bất động sản cũng có thể bị ảnh hưởng, vì hiện nhiều người vay tiền tiêu dùng nhưng để "lướt sóng" bất động sản.

Có thể các NH cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thanh toán và tín dụng (như phải ký quĩ cao hơn) nhằm hạn chế doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng mạnh tay xài tiền.

Tăng tín dụng 30%, ai bị ảnh hưởng?

Con số tăng trưởng tín dụng trong năm 2008 tối đa là 30% so với năm 2007 có ảnh hưởng rất lớn với mọi người sản xuất kinh doanh và cá nhân vay tiền NH. Mức 30% được xem là khá "chật chội" vì nhu cầu vay vốn là rất lớn. Nếu thả cửa thì con số này có thể lên đến 40%. Vì sao phải ép tăng trưởng tín dụng? Cho vay là hoạt động "tạo tiền ra thị trường". Tín dụng tăng cao gây sức ép lên lạm phát, vì vậy phải thúc đẩy NH huy động vốn nhưng hạn chế cho vay để thu bớt tiền về. Điều đó cũng có nghĩa là vay tiền của NH sẽ khó hơn.

NH sẽ thu hẹp cho vay đối với những lĩnh vực không được khuyến khích như đầu cơ bất động sản, nhập khẩu hàng tiêu dùng, cho vay tiêu dùng, các dự án mà hiệu quả còn "tù mù”… Nhưng NH được khuyến khích đem tiền cho vay nông nghiệp để làm ra nhiều hàng hóa. Giá lương thực - thực phẩm đang tăng chóng mặt, góp phần rất lớn vào đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng, vì vậy cho vay để tăng thêm sức sản xuất cho nông nghiệp đang được ưu tiên.

Tỉ giá có biên độ mới

Theo quyết định của NH Nhà nước, ngày 10-3, các NH thương mại áp dụng biên độ mua bán tỉ giá mới là +/-1% (mức cũ là +/-0,75%). Với biên độ mới rộng hơn, tỉ giá VND/USD có thể giảm nhanh hơn trước. Ví dụ tỉ giá ngoại tệ do NH Nhà nước công bố là 16.030 đồng/USD, với biên độ mới các NH có thể niêm yết giá mua thấp nhất là 15.869 đồng/USD thay vì 15.880 đồng/USD của biên độ cũ.

Thời gian qua, các NH niêm yết giá mua USD theo sát giá sàn của biên độ 0,75% và giá mua thực tế luôn thấp hơn giá niêm yết. Các NH đã áp dụng nhiều qui định khác nhau để giảm giá mua của người bán USD. Có NH chỉ mua giá trên 15.600 đồng/USD. Việc áp dụng biên độ mới sẽ giúp các NH hợp thức hóa giá mua USD theo sát thị trường.

Cùng với việc cho áp dụng biên độ mới, NHNN sẽ mua vào USD để khai thông thị trường ngoại tệ.



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường