Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo xuất khẩu sẽ đạt đỉnh 1.400 USD/tấn ?
05 | 05 | 2008
Tại cuộc họp vào cuối tháng 4 vừa qua của Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLTVN), ý kiến về sản lượng xuất khẩu gạo vẫn chưa thống nhất trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu thời gian gần đây tăng từng tháng, thậm chí từng tuần. Mặc dù từ cuối năm 2007, hiệp hội đã nhận định được tình hình cung cầu có sự mất cân đối lớn nên giá gạo xuất khẩu năm nay sẽ cao, nhưng không ai nghĩ giá có thể tăng mạnh và nhanh như vài tháng qua.
3 tháng tăng thêm 830 USD/tấn

Đến cuối tháng 4, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu 1,379 triệu tấn gạo các loại, riêng tháng 4 xuất 550.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 593 triệu USD, giá xuất tăng bình quân 430 USD/tấn (tăng 141,57 USD/tấn so cùng kỳ năm rồi), tăng 8% về lượng và 61% về giá. Tháng 5 xuất khẩu tiếp khoảng 400.000 – 430.000 tấn, đúng theo tiến độ, không bị tác động bởi cơn sốt ảo giá gạo trong nước vừa qua.
Từ tháng 2 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, chỉ trong 3 tháng tăng thêm 830 USD/tấn, từ 370 USD/tấn (tháng 2) lên 500 – 600 USD/tấn (tháng 3) rồi lên 600 – 800 USD/tấn – và 1.200 USD/tấn (tại cuộc đấu thầu ở Philippines giữa tháng 4 của HHLTVN). Trong khi đó, giá bán gạo của Thái Lan cũng đã đạt 1.000 USD/tấn (FOB - 100%B), 980 USD/tấn (FOB 5% tấm), tăng 24% - 25% so với tuần trước. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2007, giá bán gạo của Thái Lan tăng 209% - 211%, gạo Việt Nam tăng 220% - 233%.

Đưa ghe vào các vùng sâu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thu mua gạo xuất khẩu. Ảnh: SGGP

Do tình hình lương thực thế giới căng thẳng, gây bất ổn ở một số quốc gia vì thiếu lương thực và để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Chính phủ chỉ đạo cho đến trước tháng 6 tạm dừng ký thêm hợp đồng mới và giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2008 xuống còn 3,5 – 4 triệu tấn (thay vì 4,5 – 5 triệu tấn như những năm trước).

Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng và gạo đặc sản Basmati nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm áp lực lên giá gạo nội địa đang tăng mạnh. Chính phủ Campuchia cũng chỉ thị tạm ngừng xuất khẩu gạo. Tại Thái Lan, mặc dù đầu năm đến nay đã xuất khoảng 3,8 triệu tấn và cho biết sẽ tiếp tục xuất khẩu, nhưng nông dân và nhà máy xay xát lại có xu hướng tích trữ lúa gạo, hạn chế bán ra. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng từ nhiều nước, nhất là Philippines và các nước châu Phi.

Giá gạo đã đạt đỉnh chưa?

Theo ông Phạm Văn Bảy, Công ty Thương nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp Đồng Tháp (Docimexco), hiện nay là thời điểm nhạy cảm để nói về xuất khẩu gạo - sau khi vừa xảy ra cơn sốt gạo trong nước (dù đó là sốt ảo), nhưng không vì vậy mà lùi quá xa việc ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo. Vì giá gạo xuất khẩu hiện nay đang rất tốt, có thể đã đạt đỉnh nên sẽ giảm dần sau đó. Mặt khác, đã có thông tin giá gạo thị trường thế giới thời gian tới có thể sẽ giảm chút ít do nhiều nước vào vụ thu hoạch lúa.

Vì vậy, cần phải cân đối số lượng gạo hàng hóa trong nước với việc ký hợp đồng xuất khẩu và tiến độ giao hàng. Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty Du lịch thương mại Kiên Giang Nguyễn Hùng Linh cho rằng, HHLTVN nên cử đoàn đi dự đợt đấu thầu sắp tới tại Philippines. Hầu hết DN đều có gạo tồn vài chục ngàn tấn, với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả vài tỷ đồng tiền lãi. Do đó, nếu được xuất khẩu, sẽ giúp giảm chi phí lưu kho và lãi suất phải trả hàng tháng. Các doanh nghiệp ở Kiên Giang, Bạc Liêu cũng cho rằng, giá gạo cao như hiện nay là cơ hội không nên bỏ qua khi mà doanh nghiệp đang tồn kho lượng gạo quá lớn. Hơn nữa công điện Chính phủ cũng nêu rõ, tiếp tục mua lúa trong dân và cho phép đến tháng 9 có thể xuất 3,2 triệu tấn.

Theo Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Nguyễn Đăng Chi (Bộ Công Thương), việc xuất khẩu gạo phải biết chọn thời điểm để tận dụng thời cơ tốt nhất. Nhưng ông Chi cũng nhắc lại, mục tiêu tối thượng là đảm bảo an ninh lương thực và chỉ số giá lương thực không tăng quá nhiều. Xuất khẩu gạo phải gắn với tiêu thụ nội địa, phải góp phần giúp Nhà nước ổn định giá cả trong nước. Còn Chủ tịch HHLTVN Trương Thanh Phong, với tư cách là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam tự tin cho biết, lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp và lúa hàng hóa của dân thời gian tới sẽ được mua và xuất khẩu với giá có lợi nhất cho cả người trồng và nhà kinh doanh vì giá gạo hiện đang tiến rất gần đến mức giá kỷ lục 1.400 USD/tấn của năm 1973.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường