Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao thị trường gạo thế giới vẫn chịu sức ép về giá?
16 | 05 | 2008
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong niên vụ 2007/08, sản lượng gạo toàn cầu đạt 425,3 triệu tấn, trong khi lượng gạo tiêu thụ trong nước là 424,2 triệu tấn. Con số này khẳng định việc giá gạo tăng gần gấp ba trong năm nay không liên quan nhiều lắm đến nhân tố cung cầu.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cũng dự báo sản lượng gạo thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục với việc gia tăng sản xuất gạo ở cả châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh trong năm 2008.

Tình hình xuất nhập khẩu gạo trên thế giới

Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, chiếm gần 32% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong bối cảnh giá cả leo thang, Thái Lan thông báo sẽ "mở kho" dự trữ gạo quốc gia nhằm "hạ nhiệt" giá gạo trên thị trường, theo đó, khoảng 2,1 triệu tấn gạo dự trữ sẽ được bán dần ra thị trường với mức giá thấp hơn 20% so với giá hiện nay. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Mingkwan Sangsuwan cho biết, sau khi bán gạo dự trữ, Chính phủ Thái Lan sẽ mua gạo từ nông dân để bổ sung vào kho dự trữ. Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej giải thích rằng nông dân Thái Lan hiện đã trồng 5 vụ trong hai năm -tăng so với hai vụ một năm trước đây, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực. Do đó, Thái Lan sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo và vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong 3 tháng đầu năm 2008, Thái Lan đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo.

Là nước đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo với khoảng 4,5 triệu tấn trong năm 2007, Việt Nam khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường trong nước và trong năm nay có thể chỉ xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Sản lượng lúa của Việt Nam trong năm 2008 được tiên đoán vào khoảng 36,55 triệu tấn, với mức tiêu thụ trong nước khoảng 27,8 triệu tấn, kể cả 1 triệu tấn dành cho lúa giống và 5,8 triệu tấn nuôi gia súc và thất thu sau mùa gặt trong năm. Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho hay lượng lúa 8,75 triệu tấn còn lại, tương đương với khoảng 4,5 triệu tấn gạo, có thể đem xuất khẩu. Chỉ tiêu xuất khẩu từ 3,5 triệu tới 4 triệu tấn gạo trong năm nay do chính phủ đề ra là có khả năng đạt được.

Còn Ấn Độ, nước xuất gạo lớn thứ hai thế giới, đang đánh giá tình hình và có thể cho phép xuất khẩu gạo ở mức hạn chế, đồng thời cũng có thể xem xét lại mức thuế xuất khẩu gạo basmati. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và ổn định giá lương thực trong nước, tháng 3/08 Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo không thuộc loại basmati, còn Việt Nam cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 4/08 và kéo dài lệnh cấm này đến tháng 6/08.

Giá gạo thế giới đã tăng vọt trong năm nay, do chi phí năng lượng và phân bón tăng cao, nạn hạn hán, diện tích đất trồng lúa giảm để nhường cho cho các loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, và nạn đầu cơ giá. Trong bối cảnh đó, các nước phụ thuộc vào nguồn lương thực nước ngoài phải tăng cường nhập khẩu gạo, đặc biệt là Philíppin, Băngla Đét và Malaixia.

Tháng 1/08, Băngla Đét ký các thoả thuận và bắt đầu nhập khẩu 180.000 tấn gạo trắng từ nước láng giềng Mianma và đến tháng 3/08 nước này tuyên bố sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Ấn Độ. Sau khi trận lốc xoáy Sidr hồi tháng 12/07 phá huỷ vụ lúa trị giá 600 triệu USD, Băngla Đét hiện hết sức cần đến lương thực. Ngay cả những năm không bị thiên tai, Băngla Đét cũng chỉ sản xuất được 28 triệu tấn ngũ cốc, đủ đáp ứng 95% nhu cầu trong nước.

Malaixia mới đây đã phải mua khẩn cấp 500.000 tấn gạo từ Thái Lan để bổ sung cho kho dự trữ đang cạn dần. Malaixia hiện chỉ sản xuất được 70% nhu cầu gạo trong nước và phải nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia để đáp ứng 30% còn lại. Mức tiêu thụ gạo của Malaixia ước khoảng 2,2 triệu tấn mỗi năm.

Tháng trước, Philíppin, nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, đã không thể tìm đủ nguồn cung gạo. Các nhà xuất khẩu lương thực nước ngoài chỉ cam kết bán cho nước này 325.000 tấn gạo trong khi họ muốn mua 550.000 tấn. Philíppin đã lên kế hoạch nhập khẩu thêm từ 100.000 đến 600.000 tấn gạo nữa.

Sức ép tăng giá gạo chưa được giải tỏa

Với lượng gạo giao dịch toàn cầu khoảng 30 triệu tấn/năm, việc hạn chế nguồn cung gây lo ngại cho các nước nhập khẩu trong bối cảnh dự trữ toàn cầu đã giảm một nửa kể từ mức cao kỷ lục năm 2001. Gần một nửa trong tổng số 6,6 tỷ dân trên thế giới phụ thuộc vào gạo để tồn tại. Dân số tăng và tăng trưởng kinh tế trở thành động lực thúc đẩy mức tiêu thụ gạo trên thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Manila, Philíppin, từ nay đến năm 2012 mỗi năm thế giới cần thêm 50 triệu tấn gạo để cân bằng cung cầu, tương đương sản lượng hàng năm tăng 9% từ mức 520 triệu tấn hiện nay.

Phần lớn sản lượng lúa gạo trên thế giới được chính các nước sản xuất tiêu thụ, điều đó có nghĩa rằng thương mại toàn cầu về mặt hàng này là khá mỏng manh. Các chuyên gia nông nghiệp cho biết tỷ lệ gạo bị chuột phá hoại trung bình ở châu Á trong một năm là khoảng 17%, cao hơn so với sản lượng gạo được kinh doanh trên thế giới (khoảng 16%). Vì số lượng gạo kinh doanh nhỏ như vậy, thị trường thế giới luôn đứng trước nguy cơ bất ổn. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề do hạn hán kéo dài ở Ôxtrâylia, các trận bão tuyết ở Trung Quốc, cơn bão Nagris làm ngập lụt toàn bộ khu vực trồng lúa, chiếm 20% sản lượng hàng năm, của Mianma. Dự báo mới đây nhất của nhóm chuyên gia về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc cho rằng những vùng biển dọc theo Việt Nam sẽ tăng mực nước biển thêm 28-58cm vào năm 2100, nhưng không loại trừ khả năng tăng tới 100cm. Các nhà khoa học Việt Nam nhận định rằng biển sẽ nhấn chìm 1/8 diện tích đất của Việt Nam, cũng như làm cho thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến các cánh đồng lúa.

Về lâu dài các nhà khoa học đang tìm cách phát triển các giống lúa có khả năng chống chọi được những thách thức do khí hậu gây ra cũng như tạo ra các hạt giống cho năng suất cao hơn. Theo IRRI, năng suất lúa trung bình của châu Á là 3,6 triệu tấn/ha, trong khi các giống lúa tốt hơn có thể đưa năng suất trung bình lên 6 tấn/ha. Tuy nhiên ở Thái Lan, nơi có diện tích trồng lúa tới 9,8 ha, lại có năng suất lại kém nhất châu Á, chỉ đạt 2,6 triệu tấn/ha.

Giá gạo thế giới đang tăng với tốc độ chóng mặt, nhiều nông dân chưa "thu hoạch" được bất kỳ những lợi ích to lớn nào. Thiếu các phương tiện cất giữ, cộng thêm các khoản vay trước để trồng lúa đã đến hạn phải trả, thóc dư thừa từ vụ trước đã phải bán từ cách đây vài tháng - ngay trước khi giá gạo tăng vọt. Trong nền kinh tế thị trường, không thể ép buộc nông dân phải trồng lúa nếu họ không được lợi hơn so với trồng các loại cây khác. Hiện tổng diện tích đất trồng lúa của Việt Nam đã giảm từ 4,3 triệu ha xuống còn 4 triệu ha. Sản lượng ethanol gia tăng càng vắt kiệt nguồn cung ngũ cốc, trong khi nhiều người bỏ đồng ruộng đi làm công nhân càng làm trầm trọng tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp.

Cho đến nay, an ninh lương thực, đặc biệt là lúa gạo, đang trở thành vấn đề toàn cầu. Đã đến lúc, các nước cũng như các chính phủ cần phải chú trọng đầu tư hơn để phát triển nông nghiệp. Một khi người nông dân còn dễ bị tổn thương trước sự giao động về giá, điều kiện thời tiết, trong khi các công ty bảo hiểm chưa nỗ lực đưa ra những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho họ, thì tình trạng lạm phát giá gạo chưa thể sớm được giải tỏa.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường