Hãng Morgan Stanley dự báo giá đường thô có thể sẽ tăng gấp đôi lên mức 28- 30 Uscent/lb trong 2 năm tới, nhờ tăng nhu cầu mía cho sản xuất ethanol nhiên liệu. Trong năm nay, đường thô sẽ ở mức giá khá cao, khoảng 12-15 US cent/lb.
Trong số các mặt hàng đang rất thu hút sự chú ý của giới đầu tư có đường, ngô và dầu thô. Hai loại nông sản này đều có thể sản xuất ra ethanol – nhiên liệu thay thế dầu. Các nhà phân tích đánh giá rằng đường đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ bùng nổ giá. Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, mặt hàng này đã tăng giá khoảng 40%, lên mức cao nhất của 19 tháng vào đầu tháng 3, 15 US cent/lb. Trong bối cảnh giá dầu tăng, các nông sản có thể dùng sản xuất nhiên liệu sinh học như đường, ngô và đậu tương ngày càng nhạy cảm với diễn biến của thị trường dầu mỏ. Kết quả là giá đường và giá xăng dầu sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiện giá đường cao hơn trên 20% so với hồi đầu năm.
Các nhà đầu tư có xu hướng đa dạng hoá đầu tư từ cổ phiếu sang hàng hoá, khiến cho giá hàng hoá tăng mạnh. Thị trường lúa mì đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, trong đó giá lúa mì tăng gấp hơn hai lần trong năm qua, giá gạo tăng khoảng 50-100% chỉ trong 3 tháng qua. Giá lương thực toàn cầu tăng 57% chỉ trong tháng 3. Giá năng lượng cũng tăng mạnh, gây lạm phát đến mức báo động. Việc Đôla Mỹ giảm giá cũng đẩy giá hàng hoá tăng. Trong khi đó, nhu cầu trên toàn cầu vẫn không có dấu hiệu giảm. Thế giới đang chứng minh rằng ngay cả khi kinh tế Mỹ suy thoái làm giảm nhu cầu ở thị trường lớn nhất thế giới này, nhu cầu trên toàn cầu vẫn mạnh với các loại hàng hoá.
Với giá đường hiện ở gần mức chi phí sản xuất, sản lượng đường thế giới dự báo sẽ giảm, khiến nguồn cung eo hẹp dần, và giá cũng theo đó tăng lên. Sản lượng đường Ấn Độ năm nay không cao như dự báo ban đầu. Dự kiến sản lượng của Ấn Độ vụ 2007/08 sẽ chỉ đạt 26,7-26,8 triệu tấn, giảm so với 30 triệu tấn dự báo ban đầu. Như vậy, dư thừa đường thế giới sẽ giảm xuống mức 9,3 triệu tấn vào cuối niên vụ, so với 11,1 triệu tấn dự báo trước đây. Sergey Gudoshnikov, một chuyên gia kinh tế của ISO cho biết, nếu không có biến động về thời tiết, thì cần phải mất 2 năm để giải quyết lượng dư cung này, nhưng nếu Ấn Độ giảm sản lượng do ảnh hưởng của gió mùa hoặc do giá không đủ khuyến khích thì dư cung sẽ được giải quyết nhanh hơn. Ngoài Braxin- nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, các nước trồng mía lớn khác như Ấn Độ vẫn còn thiếu hạ tầng cơ sở để có thể dễ dàng chuyển sang tăng tỷ lệ mía cho sản xuất ethanol, do vậy việc chuyển diện tích trồng mía sang trồng những loại cây khác như lúa mì được xem là hiệu quả kinh tế hơn cả. Điều đó càng làm gia tăng khả năng giảm sản lượng đường.
Đường sẽ phải giành giật nguyên liệu mía với ethanol. Nếu giá nếu giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, bởi tỷ lệ mía dành cho sản xuất ethanol sẽ tăng lên, còn dành cho đường sẽ giảm xuống. Các nhà sản xuất đường Braxin có thể sẽ tăng lượng mía sản xuất đường sang sản xuất ethanol, sẽ giảm lượng cung. Gần như tất cả các nhà máy đường Áchentina đều đang xem xét tăng tỷ lệ mía dùng sản xuất ethanol. Hiện tại, Ấn độ có một ngành sản xuất ethanol rất nhỏ, nhưng tiềm năng sản lượng ethanol của nước này có thể tăng gấp 10 lần hoặc hơn nữa. Ấn Độ có tiềm năng lớn trở thành nhà sản xuất ethanol trong tương lai, và có thể sẽ sử dụng đường dư thừa cho sản xuất ethanol.
Leonardo Bichara Rocha, nhà phân tích cấp cao của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo giá đường thô thế giới sẽ ở quanh mức 12-15 US cent trong niên vụ này (kết thúc vào tháng 9/2008) bởi đầu tư vào hàng hoá các loại đều mạnh. Trong khi đó Giám đốc điều hành ISO, Peter Baron, dự báo giá đường thô thế giới năm nay sẽ khoảng 11-14 US cent/lb.