Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều Việt Nam đã qua thời bĩ cực?
11 | 06 | 2008
Các điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu, chất lượng hạt điều, và những thành công về cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ là điều kiện lớn để ngành điều xuất khẩu phát triển bền vững, vươn lên dẫn đầu thế giới.
Ổn định nội bộTừ nhiều năm qua ngành điều Việt Nam không lúc nào không có sóng gió. Không tính những năm quá xa trước đó, cột mốc là năm 2005, các DN XK điều bị thua lỗ đến 1.000 tỷ đồng. Có thể nói rằng ngành điều đã không chịu rút ra bài học xương máu, khi nguyên nhân thua lỗ năm ấy ngoài lý do bị nhà nhập khẩu hạ giá mua, còn có trường hợp không khác năm nay, cũng là DN làm ăn chụp giựt khi hạt điều có giá đã không giao hàng cho đối tác và bị kiện đòi bồi thường.

Thua lỗ khiến ông Chủ tịch Hiệp hội Điều từ chức. Và từ đó kế đến là những lục đục trong nội bộ Hiệp hội khi hội viên kiên quyết không chấp nhận ông chủ tịch mới, khiến hơn một năm từ 2006 sang đầu 2007 Hiệp hội này có chủ tịch nhưng cũng như không, và công việc kinh doanh của ngành điều cũng vì vậy mà bầm giập.

Đến nay Hiệp hội đã làm khá tốt cho công tác ổn định nội bộ. Hiện tại Hiệp hội đã chọn được người đứng đầu, hy vọng thời gian tới tình hình sẽ ổn định và hội viên sẽ được hỗ trợ tốt hơn trong kinh doanh. Sự cố kinh doanh vừa qua với 38 DN bị nợ là hậu quả của một thời kỳ lủng củng trong Hiệp hội khiến DN không được định hướng.

Phát huy ưu thế

Năm nay, các DN chế biến điều đã ký được những hợp đồng có mức lãi tốt. 5 tháng đầu năm, các DN đã nhập kho được 250.000 tấn điều thô với giá 1.050 USD/tấn. Cứ 4 tấn điều thô chế biến ra 1 tấn điều nhân, trong khi đó giá ký hợp đồng bán ra 6.200 USD đến 6.600 USD/tấn điều nhân, như vậy lãi chênh lệch chưa tính phí và thuế trên 2.000 USD một tấn điều nhân giao hàng.

Vinacas
Lần này kỳ vọng ngành điều sẽ vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)


Trong 5 tháng qua, các DN điều đã chế biến 50.000 tấn điều nhân, và dự kiến sẽ 2008 các DN sẽ chế biến và xuất khẩu 200.000 tấn nhân. VINACAS cho biết, điều này có khả năng thực hiện được, và đây là dịp để các DN điều khắc phục những vấn đề về kinh doanh và nợ nần trước đây.

Theo VINACAS, đến nay diện tích điều đã đạt 400.000ha, sản lượng đạt 400.000 tấn, hiện đang đuổi gần kịp Ấn Độ về mặt sản lượng. Vì vậy mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2010 chắc chắn đạt được. Những năm gần đây ngành điều Việt Nam đã đứng đầu thế giới về chế biến xuất khẩu, và theo lời ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch VINACAS, đây là thế mạnh khiến các nhà nhập khẩu nước ngoài không thể rời bỏ DN Việt Nam.

Có thể chính vì ỷ lại vào thuận lợi này mà thời gian qua các DN Việt Nam đã không tuân thủ chặt chẽ các hợp đồng kinh tế dẫn đến nợ nần và kiện tụng. Đây là một bài học kinh nghiệm cho DN điều cũng như các ngành xuất khẩu có thế mạnh khác.

TIN LIÊN QUAN
Tiến sĩ Hoàng Bình cho biết, một trong những giải pháp để không phải tốn quá nhiều vốn là mua điều thô đến đâu chế biến đến đó. Các làm này vừa giúp đỡ phải tốn kém quá nhiều vào việc xây dựng kho bãi, vừa sẽ giúp giảm vay ngân hàng, giảm trả lãi suất. Nếu trữ 1.000 tấn điều thô DN phải vay 17 tỷ đồng. Với lãi suất hiện nay đến 25%, mỗi tháng phải trả lãi trên dưới 350 triệu đồng. Nếu không vay mua điều thô nhập kho, DN sẽ lãi được khoản này.

Nâng cao trình độ công nghệ

Một trong những tin vui lớn nhất cho các DN chế biến điều là mới đây một số DN dưới sự hỗ trợ của VINACAS, máy bóc tách vỏ lụa đã được chế tạo thành công với tỷ lệ hạt sạch đến 87% và chỉ 6-7% hạt bể vỡ. so sánh, máy bóc tách của Italia thuộc loại hiện đại nhập vào Việt Nam cũng chỉ đạt tỷ lệ hạt sạch trên 40%.

Bên cạnh đó, năng suất đạt cao đến mức nếu bóc 10 tấn hạt/ngày phải mất 300 công nhân trực tiếp làm thì nay với máy chỉ còn tốn 20 công nhân điều khiển. Việt Nam đã dẫn đầu thế giới về công nghệ bóc vỏ lụa. Hiện nay đã có một số DN sử dụng máy này và giảm lượng lớn công nhân, và nhờ vậy đã tăng lương cho công nhân lên 1,5 đến 2 triệu/tháng.

Hiện Hiệp hội và các DN đang tiếp tục nghiên cứu máy cắt tách vỏ cứng. Nếu các nghiên cứu thành công, đây sẽ là thế mạnh để DN điều Việt Nam giảm giá thành chế biến và cạnh tranh với thế giới mà nước có năng lực mạnh nhất là Ấn Độ.

Về công nghệ xử lý hạt, các DN cũng đang tích cực cải tiến để áp dụng phương pháp hấp, là một công nghệ thân thiện hơn với môi trường, để thay cho công nghệ chao dầu.

Theo kỳ vọng của VINACAS, với các điều kiện thuận lợi hiện có về vùng nguyên liệu, về chất lượng hạt điều, và về nỗ lực cải tiến công nghệ, ngành điều đủ cơ sở để tin rằng thời gian tới qua cơn khó khăn, phát triển bền vững, dẫn đầu thế giới.

VINACAS cũng xác định, cạnh tranh thời hội nhập phải bằng uy tín và chất lượng, nên thời gian tới sẽ củng cố lại hoạt động của DN, xóa bỏ kiểu làm ăn chụp giựt trước đây, để lấy lại uy tín ngành điều Việt Nam trên thị trường thế giới.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường