Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất và chế biến hạt điều: "Mệt nhoài" trong cơn bĩ cực!
01 | 08 | 2008
Không phải ngẫu nhiên, nhiều DN chế biến điều ở tỉnh Bình Phước phải kêu cứu với lãnh đạo tỉnh, trong buổi đối thoại vào giữa tuần qua.
Thật vậy, trái với dự tính ban đầu, mùa điều năm 2008 quả là không "xuôi chèo mát mái". Nhiều DN của ngành điều đang cố... làm mệt nhoài, mà không biết có vượt qua cơn bĩ cực hay không?

Caosu đang... "đốn hạ" cây điều

Phong trào này đang trở nên khá rầm rộ ở địa bàn 2 xã Hội Nghĩa và Tân Lập - huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Về đây vào những ngày này, chúng tôi thấy vô số những vườn điều bị nông dân chặt đổ rạp không thương tiếc, cho dù giá thu mua hạt điều rất cao (18 - 19 ngàn đồng/kg).

Một nông dân cho biết, giá caosu đang tăng vùn vụt, trồng caosu có triển vọng hơn, nên nhiều nông dân đã không ngại ngần, chặt luôn hàng chục hécta vườn điều 4-5 năm tuổi để lấy đất trồng caosu. Gỗ điều bán cho các lò nung gạch, chất đầy mọi nẻo đường, ngóc ngách ở các xã vùng sâu huyện Tân Uyên...

Đáng lo ngại hơn, ngay tại nơi được ví như "thủ phủ" của cây điều VN là tỉnh Bình Phước, hiện tượng dân đốn chặt điều để lấy đất trồng caosu cũng đang diễn ra tấp nập.

Thông tin từ cuộc đối thoại giữa DN với lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết: Tỉnh Bình Phước có tổng diện tích trồng điều lớn nhất nước là 171.000ha. Hàng năm, Bình Phước cung ứng hơn 154.000 tấn điều thô (44% sản lượng cả nước) cho chế biến XK.

Thế mà, trước cơn lốc caosu hoá, trong 6 tháng đầu năm 2008, diện tích vườn điều của tỉnh Bình Phước đã bị thu hẹp khoảng... 1/3. Hiện tượng cơn lốc caosu đang làm "đo ván" cây điều cũng đang gióng lên hồi chuông báo động...

Các DN điều trong cơn... bĩ cực

Bĩ cực thật, đến nỗi bà Phan Thị Mỹ Lệ - GĐ Cty TNHH chế biến điều Mỹ Lệ (Bình Phước) - đã phải kêu lên rằng: "Nếu tỉnh không có những giải pháp kịp thời, thì hàng loạt DN chế biến, XK điều tại tỉnh Bình Phước sẽ... chết".

Thật vậy, vụ điều năm nay không thuận lợi như dự kiến. Thời tiết thay đổi vào lúc giáp vụ, dẫn tới năng suất sụt giảm hẳn so với năm trước. Tại tỉnh Bình Phước, sản lượng thất thu ước 50.000 tấn.

Bình Phước có 93 DN lớn và 200 cơ sở nhỏ chế biến điều XK. Trước đây, các DN và cơ sở mua trên 102.000 tấn điều thô. Vậy mà năm nay, các đơn vị này chỉ thu mua ước 65.000 tấn. Do đó, muốn có đủ nguyên liệu cho chế biến XK, các DN buộc phải NK điều thô. Đây là một khó khăn, vì điều thô NK chất lượng rất kém, nhưng chi phí lại rất cao...

Trong lúc đó, theo phản ánh của Vinacas, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, hàng loạt DN chế biến, XK điều cũng bị... vạ lây, mà không cách gì chống chọi. Trong đó, ảnh hưởng từ chính sách về tỉ giá, tín dụng, vay vốn của NH, đã làm không ít DN ngành điều khốn đốn. Chi phí sản xuất tăng khoảng 40%/tấn sản phẩm; riêng lãi suất vay vốn từ NH đã tăng 40-50%, trong khi giá nhân điều XK chỉ tăng 25-30%. Như vậy, DN đã lỗ 15-20% tính trên giá thành sản xuất.

Mặt khác, chỉ tính riêng thiệt hại do chênh lệch tỉ giá USD/VND vào tháng 3 và tháng 4.2008, các DN ngành điều đã bị lỗ từ 2,5-2,7 triệu đồng/tấn nhân điều XK. Thí dụ: Một DN XK năm 2007 đạt kim ngạch khoảng 40 triệu USD, thì sang năm nay đã lỗ 20 tỉ VND, chỉ vì chênh lệch tỉ giá ngoại tệ. Tất cả những khó khăn trên đã đẩy nhiều DN chế biến điều chống chếnh, choáng váng trong cơn bĩ cực.

Một loạt DN trước đây ký kết với đối tác nước ngoài, với giá điều nhập kho chỉ 9.500 - 12.500 đồng/kg; nay, tới hạn giao hàng, phải nhập kho điều thô với giá cao ngất... 19.000 đồng/kg. Càng nhập kho, DN càng lỗ nặng, đó là tình cảnh của hàng loạt Cty như: Sơn Long, Thiên Ân, Song Hỷ, Vân An...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vinacas, tình hình cũng không đến nỗi bi đát, nếu như các DN nỗ lực "chòi đạp" vượt qua cơn bĩ cực trong thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh - quyền Chủ tịch Vinacas: Vấn đề cấp bách đặt ra trong lúc này là Nhà nước và chính quyền các địa phương cần xác định sự quan trọng của ngành điều trong cơ cấu XK chung của đất nước mà có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện cho các DN vượt qua cơn bĩ cực.

Và, với các DN và người dân trồng điều, cũng hết sức bình tĩnh, cố gắng vượt khó, không được nản lòng rồi bội tín với khách hàng, hay manh động chặt bỏ cây điều... Mọi động thái tiêu cực trên đã vô tình đẩy ngành XK điều đang có nhiều triển vọng, tới chỗ phá sản.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường