Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hạt tiêu “leo thang” ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua
12 | 08 | 2009
Vào đầu tuần này, giá hạt tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã “leo thang” ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua là 46.000 đồng. Chỉ sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, mặt hàng này đã tăng giá thêm 4.000 đồng/kg, cao hơn so với thời điểm cuối tháng 7 là 8.500 đồng.

Năm 2009, sản lượng của 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm ước đạt 92.870 tấn, trong đó Đắk Lắk đứng sau Gia Lai với sản lượng 12.198 tấn. Vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên tiềm năng, lợi thế cho ngành hồ tiêu phát triển, Hiện Đắk lắk có khoảng 4.500 ha tiêu, đứng thứ 6 trong nước (sau các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.

(Ảnh: Internet)


Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hạt tiêu tăng nhanh là do nguồn cung khan hiếm ở tất cả các nước sản xuất và dự báo xu hướng giá sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.

VPA thông báo, năm nay sản lượng tiêu toàn cầu không tăng so với vụ 2008, nguyên nhân là do thiên tai, dịch hại và giá tiêu thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho dự trữ của các nhà đầu cơ không nhiều, và nhu cầu tiêu thụ không có biểu hiện giảm.
Không lặp lại tình trạng trữ hàng, chờ giá như nửa cuối năm 2008, 7 tháng qua các doanh nghiệp kinh doanh – xuất khẩu hồ tiêu thường áp dụng phương thức mua nhanh, bán nhanh, đẩy mạnh lượng hàng hóa bán ra, thu ít lợi nhuận nhưng đảm bảo. Từ đó họ có thể tăng vòng quay vốn, tái sản xuất kinh doanh, cắt lãi vay ngân hàng. Số lượng khá hàng lưu từ năm trước cộng với sản lượng thu hoạch vụ 2009 đã tạo nguồn cung cho xuất khẩu khá dồi dào.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2009 Việt Nam xuất khẩu 66.927 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen là 56.877 tấn, tiêu trắng: 10.050 tấn. Tổng kim ngạch đạt 154,58 triệu USD (bao gồm tiêu đen 121,56 triệu USD, tiêu trắng 33,02 triệu USD). So với cùng năm 2008, tăng 42,6 % về lượng (+19.987 tấn); nhưng giảm 7% về giá trị (- 11,42 triệu USD). Các doanh nghiệp thuộc VPA đạt tỷ lệ xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay (chiếm đến 89% thị phần cả nước).

Ngoài số lượng xuất khẩu chính ngạch, còn có lượng tiêu đáng kể xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc. Mặt khác, trong số lượng xuất khẩu có một lượng tiêu các doanh nghiệp tạm nhập từ Indonesia rồi tái xuất. Tuy xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 đạt mức kỷ lục về số lượng, nhưng giá lại giảm ở mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 3 năm qua.

Có một điều đáng lưu ý mà hiện nay dư luận đang hết sức quan tâm về thông tin về việc các nước sản xuất – xuất khẩu hồ tiêu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia nhập một lượng đáng kể từ Hồ tiêu của Việt Nam rồi tái xuất với giá cao hơn nhiều.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, sản lượng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu VN năm 2009 vẫn đứng đầu thế giới, chiếm gần 35% về sản lượng và trên 50% thị phần, đã và đang tiếp tục chi phối thị trường hồ tiêu thế giới về lượng. Đầu tháng 06/2009, hồ tiêu Ấn Độ bán với giá 2.650 - 2.700 USD/tấn, Indonesia bán 2.350 USD/tấn, trong khi đó hồ tiêu VN, dù hiện nay giá đã tăng thêm 50 USD/tấn nhưng cũng chỉ bán được 2.150 - 2.200 USD/tấn, thấp hơn từ 200 - 500 USD/tấn so với hồ tiêu các nước trên.

Ẩn số được đặt ra là bao giờ giá hồ tiêu VN chi phối thị trường thế giới, và chúng ta có thể xuất khẩu được những mặt hàng đạt chuẩn chất lượng cao?!

Trong thời điểm vẫn chưa tìm được đáp án cho câu hỏi đó, VPA khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế mức thấp nhất việc bán tiêu thô, tiêu FAQ, hàng dung trọng dưới 500gr/l. Việc tăng cường mặt hàng chế biến chất lượng cao – tiêu sạch, tiêu nghiền bột, tiệt trùng (tiêu chuẩn ASTA), bao bì mẫu mã chuẩn mực, bảo đảm VSATTP… thường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh việc doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, phân tích, quảng bá thông tin về diễn biến mùa màng, giá cả thị trường nhằm định hướng kinh doanh thích hợp, bà con nông dân còn trữ tiêu cũng nên vừa bán vừa theo dõi diễn biến thị trường, chọn thời điểm thuận lợi để đạt được hiệu quả cao nhất về giá cả. Thời điểm và giá cả luôn là hai yếu tố đóng vai trò “điều binh khiển tướng” trên chiến trận kinh doanh. Do đó muốn mũi tên giá cả trúng đích, thì hồng tâm thời điểm luôn phải được cân nhắc kỹ càng./.





AGROINFO!C
Báo cáo phân tích thị trường