Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Albert Frere, nhà đầu tư huyền thoại của Bỉ
19 | 08 | 2008
Ở hầu hết các lĩnh vực trọng điểm của Bỉ, từ năng lượng, sắt thép cho tới tài chính, chứng khoán, sự góp mặt của Albert Frere luôn được ví như “chất xúc tác” cho những cung bậc phát triển mới.
Sau hơn nửa thế kỷ kinh doanh, Albert Frere đã biến xưởng sản xuất đinh của gia đình trở thành một trong những “đế chế đầu tư” lớn nhất Bỉ và châu Âu, Pargesa Holding S.A. Tới nay, ở tuổi 82, Albert Frere không chỉ tạo dựng cho mình khối tài sản cá nhân 3 tỷ USD, mà ông còn được tôn vinh là “một trong những nhà đầu tư tài năng bậc nhất của Bỉ và châu Âu”.

Từ một nền tảng khiêm tốn, Albert Frere từng bước thâm nhập và bao trùm ảnh hưởng lên thị trường Bỉ và khu vực châu Âu. Mưu lược trong kinh doanh, cần mẫn trong công việc và khéo léo trong quan hệ, trải qua hơn 50 năm thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Albert Frere luôn biết đón đầu cơ hội để vươn tới thành công. Bằng tài năng đích thực của mình, không ai khác, chính “vị thuyền trưởng vĩ đại” Albert Frere là người tiên phong cho trào lưu mở rộng đầu tư ra ngoài biên giới các quốc gia châu Âu thời kỳ sau thế chiến thứ II.

Niềm tự hào của doanh nhân Bỉ

Vào cuối thập niên 90, không chỉ độc giả mà cả giới trí thức và doanh nhân đều tập trung sự chú ý vào tác phẩm “Le fils du marchand de clous – Con trai người bán đinh” của tác giả Jose - Alain Fralon viết về nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư của Bỉ, tỷ phú Albert Frere.

Là một trong số ít những doanh nhân thành công hàng đầu của Bỉ, những cuốn sách viết về Albert Frere không chỉ vẽ lại bức tranh toàn cảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông, mà còn là bài học kinh nghiệm quý giá cho thế hệ những doanh nhân trẻ trên con đường chinh phục đỉnh cao của sự nghiệp.

Trong suốt cuộc đời kinh doanh của mình, Albert Frere từng tham gia muôn vàn những chương trình nổi đình nổi đám; song bản thân ông lại rất kín tiếng, không bao giờ phô trương danh tiếng hay những thành công đã đạt được.

Tác giả David Owen và Neil Buckley đã từng nhận xét: “Albert Frere là một nhà đầu tư ẩn dật, ông hiếm khi trả lời phỏng vấn, mặc dù những gì ông làm được luôn tạo ra sức lôi cuốn đặc biệt đối với công chúng”.

Tới năm 2006, khi Albert Frere tròn 80 tuổi, tác giả Bruno Abescat tiếp tục cho ra đời tác phẩm “Albert Frere toujours en actions – Nhà kinh doanh cần mẫn Albert Frere”. Là một người tham công tiếc việc, kinh doanh đã trở thành một niềm đam mê đối với Albert Frere. Trên danh nghĩa, Albert Frere đã nghỉ hưu và chuyển giao quyền sở hữu Frere-Bourgeois holding company cho hai người con là Gerald Frere và Segolene Frere; tuy nhiên, trong những thương vụ đầu tư tầm cỡ tại Bỉ, Albert Frere vẫn thường xuyên xuất hiện trong vai trò là nhân vật trung tâm.

Theo nhận định của Henry Kravis, doanh nhân sáng lập Kohlberg Kravis Roberts & Co Kravis: “Albert Frere sẽ không dễ bị thay thế và không bao giờ chịu nghỉ hưu vì kinh doanh đã trở thành tình yêu bất diệt trong con người ông. Việc Albert tạm nghỉ trong thời gian qua có thể chỉ là quãng thời gian ông chuẩn bị hướng tới những con mồi mới trên thương trường”.

Quả đúng như nhận định trên, vào ngày 17/7/2008, giới truyền thông Bỉ và thế giới một lần nữa lại đổ dồn sự chú ý vào Albert Frere, khi ông bất ngờ tuyên bố Groupe Bruxelles Lambert sẽ đầu tư nâng số lượng cổ phiếu tại Suez Environnement để tạo sự cân bằng với mức cổ phiếu của Gaz de France trong công ty này. Nắm giữ 9,2% cổ phiếu và là cổ đông lớn nhất tại Suez, việc đột ngột tăng cường đầu tư của Albert Frere xuất phát từ những động thái ủng hộ tích cực của Chính phủ Pháp đối với Suez.

Theo đánh giá của Albert Frere: “Chúng tôi đang dự tính sẽ nâng mức đầu tư để thu lợi nhuận tại Suez Environnement, tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc vào cơ hội và xu thế của thị trường”. Nói là vậy, nhưng sau hàng loạt các phi vụ đầu tư thành công, ít người có thể nghĩ tới yếu tố thất bại trong chương trình đầu tư lần này của ông tại Suez.

Từng được mệnh danh là Warren Buffett của Bỉ, bên cạnh những thành công của cá nhân mình, vai trò của Albert Frere còn được biết tới như một chất xúc tác cho sự phát triển của không ít doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Kể từ thập niên 80 cho tới nay, Albert Frere từng đảm trách không ít vị trí trọng yếu của các doanh nghiệp lớn như: Giám đốc quản lý kiêm Tổng giám đốc (CEO) của Groupe Bruxelles Lambert S.A; Chủ tịch kiêm CEO của Frere-Bourgeois; Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn năng lượng Canada Power Corp; Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Erbe SA và Petrofina SA của Bỉ; Chủ tịch và thành viên Hội đồng giám sát Tập đoàn truyền thông Metropole Television...

Với tài năng và những cống hiến to lớn cho sự nghiệp kinh doanh của Bỉ và quốc tế, Albert Frere đã vinh dự được Đức vua Bỉ Albert II trao tặng tước hiệu “Nam tước” năm 1994.

Khôn khéo trong thương thảo

Theo những đánh giá của các chuyên gia Jacqueline Simmons và Tom Cahill trên trang Bloomberg, khối tài sản mà Albert Frere đã tạo dựng được cho đế chế đầu tư của gia đình ước tính trị giá lên tới 32 tỷ USD.

Kết quả này không chỉ cho thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi của Albert Frere sau hơn 50 năm kinh doanh, mà còn là những bằng chứng sống về nghệ thuật kiếm “bạc tỷ” của ông trong các phi vụ kinh doanh. Albert Frere hầu như không bao giờ nắm giữ hoàn toàn một doanh nghiệp lớn hay tiến tới ngôi vị sở hữu; thay vào đó, ông luôn biết sử dụng ảnh hưởng lớn của mình trong quá trình đầu tư, bằng cách dàn xếp ổn thỏa và mang về khoản lợi nhuận lớn từ những chương trình hợp tác.

Nhà đầu tư Henry Kravis đã từng phải thốt lên rằng: “Albert Frere có được sự khéo léo đến kỳ lạ trong các hợp đồng đầu tư và tôi ngưỡng mộ ông ở điểm này”.

Còn nhớ cách đây 7 năm, vào năm 2001, Albert Frere đã có cuộc trao đổi 30% cổ phiếu mà ông đang nắm giữ tại Tập đoàn truyền thông RTL Group lấy 25% cổ phiếu tại Tập đoàn Bertelsmann do gia đình Mohn nắm giữ. Trong quá trình đàm phán đi tới ký kết, Albert Frere đã khéo léo đưa vào hợp đồng điều khoản cho phép ông được quyền đưa cổ phiếu của Bertelsmann lên sàn chứng khoán.

Tới năm 2007, Albert đã sử dụng quyền hợp pháp của mình trong bản hợp đồng và buộc gia đình Mohn phải bỏ ra khoản tiền 4,5 tỷ Euro để thu mua lại số cổ phiếu mà ông đang nắm giữ.

Một trong những kỹ năng đầu tư được Albert Frere thường xuyên áp dụng là mua một lượng lớn cổ phiếu ở những doanh nghiệp nhỏ và trao đổi lấy một lượng nhỏ cổ phiếu tại một doanh nghiệp lớn để thu lợi. Điển hình là trường hợp Albert Frere tiếp cận và đầu tư vào Tập đoàn năng lượng Suez của Pháp năm 1996.

Theo đó, sau khi thâu tóm được 25% cổ phiếu tại doanh nghiệp Tractebel SA của Bỉ, Albert Frere đã bán lại toàn bộ số cổ phiếu này cho một đơn vị thuộc Suez để được quyền đầu tư một lượng cổ phiếu nhất định tại tập đoàn năng lượng khổng lồ này. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Suez, Albert Frere từng bước nâng cao số lượng cổ phiếu tại Suez. Tính tới thời điểm năm 2007, số lượng cổ phiếu do Albert Frere nắm giữ tại Suez đã là 9,2%, giá trị tương đương với 5 tỷ Euro.

Theo dự tính, trong thời gian tới, khi Suez chiếm ưu thế hơn so với doanh nghiệp liên doanh và cũng là đối thủ - Gaz de France, vươn lên vị trí một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới với tổng doanh thu khoảng 72 tỷ Euro mỗi năm, Albert Frere sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi từ các khoản đầu tư này.

Bên cạnh tài năng kinh doanh, Albert Frere còn là một người rất uyển chuyển trong việc thiết lập các mối quan hệ với các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn như các nhà vua, tổng thống, thủ tướng và các nhà tài phiệt. Những mối quan hệ này là thế mạnh giúp Albert đi tới thành công ngày nay. Những trận giao hữu tennis, những chuyến đi săn hay những cuộc viếng thăm và chiêu đãi đều có thể là cơ hội tốt để Albert mở rộng quan hệ.

Ngay tại Pháp, một trong những quốc gia mà Albert thu được nhiều thành công trong lĩnh vực đầu tư, ông cũng từng tiếp cận được với cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, sau này ông cũng kết bạn với đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Không chỉ với Albert mà với hầu hết giới kinh doanh, thương trường luôn cần những thế mạnh để hạn chế tối đa yếu tố rủi ro, vì vậy, việc mở rộng quan hệ ở tầm vĩ mô luôn là việc cần thiết.

Được đánh giá là “nhà đầu tư thân thiện và kiên nhẫn”, Albert không ưa những chuyện ồn ào, những cuộc tranh cãi hay những cuộc đấu đá rùm beng. Điều ông luôn tâm niệm là “cần phải kiên nhẫn chờ thời cơ, nghe nhiều, nói ít và phải đầu tư một cách công khai, thẳng thắn”. Albert từng nói: “Tôi không thích các cuộc tranh cãi và tôi cũng không bao giờ đầu tư một cách mờ ám”. Trong hầu hết các dự án, Albert hầu như không quan tâm tới những vấn đề mang tính ngắn hạn, mà chỉ quan tâm tới những yếu tố dài hạn, với đức tính kiên nhẫn đáng nể.

Gặt hái được không ít thành công, song Albert cũng không ít lần phải nếm trải những thất bại trong sự nghiệp; đáng kể nhất là chương trình đầu tư mua cổ phiếu của Tập đoàn hóa chất Rhodia SA của Pháp năm 1999.

Nhạy bén trong kinh doanh

Albert Frere tên đầy đủ là Albert Baron Frère sinh ngày 04 tháng 02 năm 1926 tại Fontaine-l’Evêque, gần Charleroi, Bỉ. Gia đình Albert Frere mở một xưởng chuyên thu mua các loạt vật liệu phế thải sau đó tái sản xuất thành các loại đinh phân phối cho thị trường. Năm Albert Frere 17 tuổi, vừa tốt nghiệp chương trình trung học, bố cậu đã đột ngột qua đời và bỏ lại các công việc kinh doanh còn dang dở tại xưởng sản xuất đinh của gia đình. Cũng vì lý do này, Albert Frere đã phải từ bỏ giấc mơ vào đại học để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.

Trong những năm chiến tranh thế giới thứ II, do sự chiếm đóng của phát xít Đức, hầu như toàn bộ công ciệc sản xuất và kinh doanh của gia đình Albert Frere đã bị gián đoạn. Sau khi chiến tranh kết thúc, Albert Frere bắt tay ngay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình. Và cơ hội kinh doanh bắt đầu mở ra với Albert Frere khi các quốc gia tiến hành chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh, khiến nhu cầu về các loại thép bắt đầu nóng dần. Nắm được thời cơ đó, Albert Frere đã nhanh chóng đầu tư, cải tạo để chuyển xưởng sản xuất đinh thành xưởng sản xuất thép cung cấp ra thị trường.

Như diều gặp gió, công việc kinh doanh của Albert Frere lần lượt tiến ra các tỉnh thành của Bỉ và sau đó vượt qua biên giới tới các quốc gia lân cận. Trong thời gian này, hầu như Albert Frere không có thời gian nghỉ, ông thường xuyên phải sử dụng điện thoại liên lạc và viết thư thiết lập quan hệ đối tác với khách hàng trên phạm vi nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ sự phát triển bùng nổ của thị trường thép cùng những bước đi khéo léo của Albert Frere, công ty đã thu về được khoản lợi nhuận khoảng 10 triệu franc Bỉ và Frere dần trở thành một đại gia trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép của Bỉ.

Bước vào những năm đầu thập niên 50, chiến tranh Triều Tiên bắt đầu nổ ra, nhu cầu đối với các loại sắt thép của các nhà sản xuất vũ khí bắt đầu tăng cao. Chớp lấy cơ hội này, Albert Frere đã tìm được những bản hợp đồng béo bở và thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Tại thị trường sắt thép trong nước, tới cuối thập niên 70, Albert Frere đã đầu tư và thâu tóm hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất thép của khu vực Charleroi.

Cũng vào thời điểm này, thị trường chứng khoán bắt đầu phát triển với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn của Bỉ và châu Âu. Bằng khả năng phán đoán và những tính toán hợp lý, Albert Frere tiếp tục thu được những khoản lợi nhuận lớn từ thị trường chứng khoán.

Trên đà phát triển mạnh của các hoạt động đầu tư và kinh doanh, năm 1981, nhằm tạo nền tảng khuếch trương và mở rộng thị trường đầu tư, Albert Frere đã thành lập ra công ty đầu tư Pargesa. Bằng tài thao lược của mình, Albert Frere liên tiếp tiến hành thành công các khoản đầu tư vào hàng loạt các tập đoàn năng lượng, truyền thông, bảo hiểm và ngân hàng.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường