Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ai bảo vệ quyền lợi cho nông dân?
20 | 08 | 2008
Đời sống kinh tế người nông dân nước ta còn khó khăn, chật vật. Là người làm ra hạt gạo, nhưng một bộ phận không nhỏ các hộ không đủ hoặc có khả năng không đủ lương thực để dùng. Là người nuôi sống xã hội, nhưng họ không được quyền quyết định về giá đầu ra sản phẩm...
Và hiện nay, khi quá trình gia nhập WTO càng sâu, nền kinh tế Việt Nam là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, bất kỳ biến động tích cực hay tiêu cực nào của nền kinh tế thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó chính nông dân là tầng lớp nhạy cảm nhất, dễ bị tác động nhất và đời sống có thể dễ bị bấp bênh nhất.

Thêm vào đó, giá các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp ngày càng tăng cao, từ phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... Người dân hoàn toàn bị động với việc tăng giá này. Từ lâu, thất mùa là một nỗi lo của nông dân, nhưng đôi khi trúng mùa nỗi lo lại càng lớn hơn vì hạt gạo và các sản phẩm nông nghiệp không được giá.

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, vì sự khắc nghiệt của giá cả và sự bấp bênh của ngành nghề, tất cả nông dân bỏ đồng ruộng, lên thành phố làm công nhân hoặc kiếm sống bằng ngành nghề khác, thì có thể hình dung xã hội lúc ấy sẽ như thế nào?

Lúc ấy, hẳn nhu cầu lương thực trong nước còn chưa thể đáp ứng, chưa thể nói đến việc cung cấp sản phẩm xuất khẩu để Việt Nam có thể xếp hạng trên thế giới là nước xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba...

Có thể thấy, tất cả những điều này phản ánh một ước mơ có thật của người nông dân: ước mơ đất trồng lúa được bảo vệ, nghề trồng lúa được chăm lo, ước mong “hạt gạo làng ta” thôi bấp bênh, trôi nổi. Tuy nhiên, các ước mơ ấy đang bị đặt trước những khó khăn, thử thách cam go:

- Đất sống của cây lúa - nơi sản sinh ra hạt gạo đang dần bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải nói rằng quá trình đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, các công trình phúc lợi là tất yếu trong quá trình phát triển. Thêm vào đó, đất nông nghiệp thường “được chọn” để quy hoạch xây dựng vì nhiều lý do.

Từ lâu, thất mùa là một nỗi lo của nông dân, nhưng đôi khi trúng mùa nỗi lo lại càng lớn hơn vì hạt gạo và các sản phẩm nông nghiệp không được giá.
Thứ nhất, so với các loại đất khác như các khu dân cư, đất nông nghiệp thường có diện tích lớn, bằng phẳng, thuận lợi cho việc san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Thứ hai, đối với cùng một diện tích đất, đất nông nghiệp thường có số người sử dụng đất ít hơn, dễ “dàn xếp” trong việc định giá đền bù và giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, đất nông nghiệp nhìn chung có khung giá thấp. Kết quả là, mặc dù đất đai được quản lý chung thông qua Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn về tài nguyên, môi trường, về xây dựng, quy hoạch... nhưng đứng trước nhiều lợi ích cần cân đối, diện tích đất nông nghiệp trên thực tế thường phải “ra đi” nhường chỗ cho các khu dân cư, thậm chí có khi là sân golf, khách sạn...

- Hiện nay, ngành nông nghiệp được “trông nom” bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp. Tuy nhiên, khi giá cả phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... tăng lên, thì người nông dân vẫn phải một mình lo liệu, cáng đáng. Gần đây, mặc dù có chính sách cho vay thông qua ngân hàng nông nghiệp, nhưng nhiều trường hợp không phát huy được tác dụng vì càng nuôi, càng lỗ, càng trồng, càng thua!

Công nhân Việt Nam có tổ chức Công đoàn đem tiếng nói chính thức bảo vệ người công nhân lao động. Hiến pháp hiện hành (điều 10, Hiến pháp 1992, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) ghi nhận cơ sở hiến định về việc bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn quy định rõ ràng về trình tự lập thỏa ước lao động tập thể, về cách thức pháp lý để “phản kháng” giữa “bên bán sức lao động” (công nhân) với “bên mua sức lao động” (các chủ doanh nghiệp) một khi có bất đồng xảy ra và vai trò của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ người lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Trong khi đó người nông dân Việt Nam còn bị đặt hoàn toàn trong thế bị động, lệ thuộc. Vẫn chưa có một tiếng nói đồng thanh, chưa có tiếng nói đại diện một cách có hiệu quả cho người nông dân nước ta. Hội Nông dân Việt Nam - tổ chức chính trị xã hội mang sứ mệnh chính thức thể hiện tiếng nói của người nông dân hiện nay chưa có đầy đủ các điều kiện để thực sự phản ánh được tiếng nói của người nông dân trên mọi phương diện của nghề nông, đặc biệt là cơ chế để tạo sự ổn định cho đầu ra các sản phẩm nông nghiệp và cơ chế bao tiêu gắn ba nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Cơ sở hiến định cho một tổ chức mang tiếng nói đại diện cho người nông dân là một yêu cầu tất yếu, cơ chế pháp lý để người nông dân có thể có một tiếng nói đồng thanh không chỉ để bày tỏ những bức xúc, mà còn để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ là những đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một tổ chức (có thể là việc phát huy thích hợp vai trò của Hội Nông dân) với tư cách là bên thứ ba liên kết và thống nhất tiếng nói, phản ánh đích thực nguyện vọng của người nông dân Việt Nam trước các vấn đề đặt ra cho nông nghiệp và nông thôn, trước các doanh nghiệp và các nhà sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nhằm vận hành hiệu quả một cơ chế bao tiêu, xây dựng một hệ thống chính sách “bảo hiểm” trong nông nghiệp là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân Việt Nam.

TS. Pha Trung Hiền (Khoa Luật - Đại học Cần Thơ)



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường