Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến nông sản nằm…“bất động”
19 | 08 | 2008
Nhiều vùng nông thôn thay da đổi thịt nhờ các DN chế biến nông sản (DNCBNS). Càng có nhiều DNCBNS, và những DN này càng mạnh thì nông dân càng có điều kiện gia tăng thu nhập, có thêm công ăn việc làm. Ngược lại, DN phá sản cũng có nghĩa là các vùng sản xuất nguyên liệu... bỏ đất không, nông dân mất nguồn thu.
Long nhãn... long đong

Chế biến dưa chuột xuất khẩu

Có mặt tại Hưng Yên khi những cây nhãn trĩu quả bắt đầu chuyển sang màu vàng rộm. Nếu các năm trước nhãn được mùa thì người ta đều đổ xô vào chế biến long nhãn, bỏ qua câu “Nhãn sai, lũ lớn, làm long bại”. Một DN long nhãn ở TX Hưng Yên phân tích: “Năm nay lạm phát tăng cao, giá nhân công đắt, xăng dầu, than củi, lãi suất ngân hàng quay như chong chóng, trong khi đó thị trường tiêu thụ long nhãn lại co hẹp, các DN làm long nhãn thường làm vải, năm nay không bán được, đang “ngấm đòn” nên không dám làm. Nằm im lúc này là thượng sách. Vì vay ngân hàng làm thì còn hơn đánh bạc”

DN và cơ sở chế biến nhãn đều tính như vậy nên năm nay tuy nhãn rất sai nhưng số người làm long nhãn lại giảm đi. Những ông chủ đầu tư làm long nhãn thời điểm này được coi là đang chơi…một con đề. Họ tự an ủi mình “phải vào nước thua thì mới ra nước thắng”. Cũng dựa vào câu tự an ủi đó mà ở huyện Tiên Lữ, một số ông chủ không vay được tiền ngân hàng đã chịu lỗ, bán đàn lợn cả trăm con mới đạt 50kg đi để lấy tiền làm long nhãn. Trong khi đó, cho đến thời điểm này, các DN lớn tại Lạng Sơn trực tiếp xuất khẩu long nhãn sang Trung Quốc lại chưa có động tĩnh gì. Lý do là các DN này đang đứng trước bờ vực phá sản do đã trữ hàng trăm tấn vải sấy khô, nhưng cho đến thời điểm này vẫn không xuất được xe nào trong khi gánh lãi ngân hàng è cổ. “Tình trạng này kéo sang năm 2009 thì những DN sấy vải và nhãn sẽ đồng loạt phá sản. Cho dù có "án binh bất động" nhưng với mặt hàng này, thêm một ngày là hàng xấu đi một nước, giảm một giá thì cũng không thể sống xót được lâu”- đại diện Cty Minh Hoà chuyên xuất khẩu long nhãn sang Trung Quốc nhận định.

Đầu vào tăng, đầu ra không bán được, DN nằm bất động ngay lập tức hàng trăm tấn nhãn tươi thu hoạch mỗi ngày được đẩy hết ra thị trường. Cung vượt cầu và dĩ nhiên là giá bị kéo xuống. Lẽ ra giữa thời lạm phát này, giá nhãn ngon đầu mùa phải đạt 25-30 ngàn đồng/kg, vậy nhưng chỉ bán được 12 ngàn đồng. Được mùa nhãn mà nông dân chẳng thể vui…Còn với hàng ngàn lao động bóc long nhãn thì không có việc làm.

Tại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Hưng Yên như Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ, người nông dân không chỉ buồn vì nhãn mà cả với những nông sản khác như dưa, bí, ngô bao tử…cũng đang lâm cảnh khó khăn. Cty Việt Úc những năm qua đã giúp nông dân vùng này nâng cao thu nhập qua việc tiêu thụ nông sản cho họ thì nay cũng botay.com khi đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng cao.

Những vùng SX hàng hoá về đâu?

Chế biến thịt lợnChủ tịch HĐQT Cty CP Đức Việt Mai Huy Tân nhận định: “Từ cuối năm 2007 đến nay giá thịt lợn liên tục tăng ở mức trên 40 ngàn đồng/kg. Trong khi đó nhập thịt lợn từ Canada về, trừ hết chi phí nhập khẩu và vận chuyển, vẫn rẻ hơn thịt lợn trong nước. Giá lợn cao là do đầu vào cao. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, chẳng còn xa nữa các siêu thị trong nước sẽ tràn ngập thịt nhập khẩu và nông dân sẽ mất đầu ra”. Là Cty mạnh, tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn tại khu vực Hưng Yên, nhưng trước tình hình lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, Cty Đức Việt đã phải cắt giảm sản xuất đồ ăn nhanh, sản xuất phụ kiện cho công nghiệp thực phẩm…Điều này cũng có nghĩa là khả năng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sẽ giảm đi đáng kể.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi Nguyễn Thị Toan cho biết: “Trên địa bàn huyện chỉ có 11 DNTN nhưng giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp hàng ngàn hộ nông dân nâng cao thu nhập. Vậy nhưng, theo báo cáo từ đầu năm đến nay, vốn cung cấp cho khối DN này giảm mạnh. Trước đây đã khó khăn về vốn, vào thời điểm này họ đang khó khăn hơn. Không có họ, nhiều nông dân Ân Thi không biết tăng thu nhập bằng gì?”

Một số DN đưa ra nhận định, tình hình khó khăn hiện nay sẽ còn kéo dài. DN sinh ra thì phải hoạt động, không hoạt động bộ máy vẫn phải nuôi, thuế vẫn phải đóng…thì DN cũng sẽ “chết”. Nhưng hoạt động thì con đường đến đích phá sản chắc chắn sẽ nhanh hơn. Sự sống - chết của họ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân. Với DN chế biến nông sản miền Bắc, vào thời điểm này bắt đầu phải đầu tư để chuẩn bị cho vụ đông - vụ sản xuất hàng hoá. Nhưng rất nhiều DN không động tĩnh gì, nằm im chờ “vật đổi sao giời”. Nhiều đầu mối cung cấp nguyên liệu đến làm việc nhưng họ đều lắc đầu.

DN bí bách, nông sản hết đầu ra, nông dân sẽ lâm cảnh nghèo-Điều ấy nếu không có biện pháp ngăn chặn thì nó sẽ đến, không còn xa nữa…

TCty, tập đoàn, DNNN hiện đang chiếm giữ tới hơn 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và hơn 80% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn 6 tháng đầu năm 2008 chỉ đạt 17% tổng dư nợ của các ngân hàng cho các thành phần kinh tế khác vay. Ngân hàng Nhà nước nhận định, vốn tín dụng cho khu vực này quá thấp. Nghiêm trọng hơn, theo nhận định của Bộ NN-PTNT, hiện đang có hiện tượng nguồn vốn nông thôn được các ngân hàng huy động đang “chảy ngược” ra thành phố theo hệ thống tín dụng mà không đầu tư cho nông thôn.



Vũ Minh Việt - Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường