Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa thể bình ổn thị trường phân đạm
30 | 08 | 2008
Với giá bán đạm Phú Mỹ một giá, nhưng chỉ bán đến đại lý, theo phương thức trừ lùi chi phí, thì về bản chất, giá bán ĐPM không thay đổi, không được coi là đã giảm hơn giá thị trường từ 10-15%.
Tại Tây Nguyên, urê Phú Mỹ là sự lựa chọn số 1 của người sử dụng và một khi cung- cầu còn bất cập, thì nói chuyện bình ổn giá là không tưởng.

Khó lòng kéo giá xuống thấp?


Theo phân tích của ông Lê Văn Đề - GĐ Cty vật tư dịch vụ nông lâm nghiệp Kon Tum: ĐPM hiện mới chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vào thời điểm mùa vụ như vụ hè thu vừa qua ở các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, nhiều đại lý đã phải nhập thêm hàng Trung Quốc để tiêu thụ bởi ĐPM không có hàng (ảnh).

Giá đạm Trung Quốc (ĐTQ) mặc dù rẻ hơn 100đ/kg (trước thời điểm 1.8 được bán với giá 9.100đ/kg) so với giá ĐPM, nhưng cũng tiêu thụ chậm bởi tâm lý người dân không thích sử dụng. Điều này cho thấy, ĐPM hầu như không có đối thủ bởi lượng sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó và còn khan hàng.

Giá ĐPM luôn bám sát giá ĐTQ và còn ở thế "thượng phong" do sản phẩm có thương hiệu, có uy tín và được người tiêu dùng ưa chuộng. "Xét thuần tuý về mặt thị trường, nếu không phải đảm nhận nhiệm vụ chính trị, như được Nhà nước giao cân đối cung - cầu và bình ổn giá mặt hàng phân bón như vai trò của TCty Vật tư nông nghiệp, thì ĐPM chẳng việc gì phải "bày đặt" một giá" - một chuyên gia có kinh nghiệm phân tích.

Trên thực tế, từ khi có chủ trương một giá, giá ĐPM còn bán cao hơn khi không một giá. Là bởi lẽ, tháng 7, giá Cty giao đến đại lý là 8.600đ/kg, đại lý sẽ cộng thêm chi phí, phí vận chuyển, đến tay nông dân dao động từ khoảng 9.000-9.500đ/kg (tuỳ theo vùng, miền). Nay áp dụng chính sách một giá, Cty phải chịu chi phí vận chuyển thì giá bán đến đại lý cuối cùng là 9.500đ/kg.

Một quan chức của ĐPM phân tích: Theo cách tính trừ lùi này, khoảng 10% phí vận chuyển và chiết khấu trong giá bán, thì giá Cty thu về chỉ là 8.500đ/kg, thấp hơn giá cũ 100đ/kg, chứ không tăng.

Nên trợ giá trực tiếp cho nông dân


Nói về việc được Chính phủ trợ giá khí đầu vào (hiện giá khí cho ĐPM là 2,2 USD/triệu BTU, trong khi giá khí thế giới là trên 5USD/triệu BTU), tại sao ĐPM không lập phương án trừ lùi cạnh tranh hơn để bớt khó khăn về giá cho nông dân, TGĐ ĐPM- ông Phan Đình Đức - cho rằng: Liệu cổ đông ĐPM có chấp nhận không? Nhà nước là cổ đông lớn liệu có thể áp giá bán cho Cty CP khi mà giá thế giới hiện đã ở mức 15.000-16.000đ/kg. Nếu áp mức giá 5.000đ/kg cho ĐPM, nhưng hiện tại ĐPM mới chiếm 40% thị phần, giá thấp liệu các DN khác có NK không?

Hơn nữa, ĐPM tiêu thụ 100% tại thị trường trong nước, nhưng nhiều DN khác chỉ NK để tái xuất phân bón ăn chênh lệch giá. Đến lúc đó, thị trường có xảy ra hiện tượng "chảy máu" phân bón, gây thiếu nguồn cung? Vì vậy theo ông, khi xây dựng phương án giá, ĐPM phải dung hoà lợi ích của các nhóm đối tượng.

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường "nửa vời", Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu cho DN, nhưng không kiểm soát giá đầu ra, cung- cầu thị trường chưa cân bằng và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi DN NK bằng các con đường không chính thức, NK tiểu ngạch vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng cả về lượng và giá NK, thì thị trường phân đạm sẽ chưa thể bình ổn. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, thay vì trợ giá cho ĐPM, Nhà nước hãy trợ giúp trực tiếp cho nông dân thông qua NH Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn sản xuất, với lãi suất thấp hoặc có cơ chế bảo lãnh vay trả chậm, để người dân phần nào đỡ khó khăn khi giá phân bón "leo thang".


Xem tin gốc tại đây:
http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/8/104319.laodong



Báo cáo phân tích thị trường