Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỡ khó cho nông dân: góc nhìn của doanh nhân
12 | 09 | 2008
Rào cản khiến nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không tiếp cận được với doanh nghiệp và thị trường bắt nguồn từ tập quán trồng trọt manh mún.
Sửa các chính sách nông nghiệp, xác định lại vai trò của doanh nghiệp, từ đó hướng nông dân vào sản xuất chuyên canh là hướng giải quyết cho trở ngại nói trên được ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ với TBKTSG.

TBKTSG: Theo ông, hình ảnh nông sản Việt Nam được định vị như thế nào trên thế giới?

- Ông NGUYỄN LÂM VIÊN: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, giá rẻ vì nền nông nghiệp nước ta xuất phát từ những mảnh ruộng nhỏ, mảnh vườn tạp. Làm ăn với đối tác nước ngoài, tôi thấm thía rằng hàng nông sản Việt Nam được thị trường thế giới gắn với hình ảnh: tạp nham và giá rẻ.


- Nói đến nông sản Việt Nam chỉ như vậy thôi sao, nghe buồn quá!

- Buồn, song đó là sự thật. Hiện chúng ta đang gửi một thông điệp ra bên ngoài là nông nghiệp Việt Nam bán nguyên liệu, bán hàng xô, hàng tạp. Vì vậy phải sửa lại thông điệp này.

Muốn vậy phải tìm cách để sản phẩm từ nông trại và con người từ nông thôn tiếp cận với thị trường và thị trường phải biết mặt biết tên. Hiện, nông dân chỉ cần bán cho thương lái, họ đâu có quan tâm đến chất lượng.

- Có phải một trong những điểm yếu của ngành nông nghiệp là thiếu tính nhất quán và khả năng liên kết?

- Đúng. Thông điệp mà nông sản của một quốc gia mang ra thế giới phải luôn luôn giữ được tính nhất quán, thậm chí có thất bại cũng phải duy trì yếu tố này.

- Ông thấy vấn đề liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tại ĐBSCL như thế nào?

- Tại ĐBSCL, người nông dân chịu ảnh hưởng của việc chia hạn điền, chia xong do các gia đình đông con nên bố mẹ lại chia tiếp một lần nữa và cuối cùng ruộng vườn bị xé nhỏ và trở nên manh mún. Vấn đề khác là người nông dân trồng trọt rất giỏi vì chính sách khuyến nông tốt nhưng Nhà nước lại chưa quan tâm tới chính sách tiêu thụ sản phẩm cho họ. Vì thế, toàn bộ việc tiêu thụ nông sản người dân phó mặc cho thương lái và phải làm theo yêu cầu của thương lái để phục vụ lợi ích của đối tượng trung gian này.

Thực tế là nông dân rất lo thương lái không đến vườn của mình để mua sản phẩm, do đó thương lái bảo trồng gì thì trồng cái đó, hôm nay trồng chuối, mai trồng cam, đến mốt lại trồng nhãn hoặc dừa. Phải thay đổi thực trạng này.

- Ông muốn nói tới một cuộc công nghiệp hóa trong nông nghiệp?

- Đúng vậy. Muốn đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng lớn, chất lượng đồng đều và năng suất cao thì phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Tôi cho rằng, để có một cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp chắc chắn phải có vai trò tiên phong của những doanh nghiệp có tầm nhìn xa, làm ăn chuyên nghiệp và có khả năng đầu tư lớn.

- Bằng cách nào?

- Cách thứ nhất là doanh nghiệp bắt tay với nhà khoa học, viện nghiên cứu và trường đại học nhằm đưa ra những loại giống cây trồng có năng suất cao và phải kiểm soát chất lượng giống.

Cách thứ hai, là doanh nghiệp thuê mướn toàn bộ đất của nông dân với mức giá có lợi cho dân, quy hoạch lại, thậm chí thuê mướn nông dân canh tác trên chính mảnh đất đó. Cách làm này sẽ giải quyết được bài toán chuyên canh cho nông dân.

Cách thứ ba là có sự can thiệp của Nhà nước, theo đó Nhà nước quy hoạch những khu đất, rừng nghèo, kiệt và khoán hẳn cho các công ty có uy tín tổ chức canh tác, không nên để dân chia nhỏ.

Với ba chính sách đó, cộng với chính sách hợp tác xã, tôi tin bức tranh về nền nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi. Vấn đề nằm ở chỗ phải cải thiện thu nhập cho nông dân thông qua đổi mới cách trồng trọt của họ và tìm cho họ cơ hội canh tác trên quy mô lớn với sự tham gia tích cực hơn của doanh nghiệp.

- Còn ở khía cạnh chính sách vĩ mô, theo ông, cần có sự thay đổi ra sao?

- Phải nhìn lại bức tranh tổng thể về ngành nông nghiệp, kể cả chính sách thuế nông nghiệp, chúng ta nói miễn thuế cho nông dân nhưng cần xem lại đã thực hiện đúng chưa. Nếu chưa đúng, phải sửa.

Về nguyên tắc, nông dân được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, khi nông dân mua máy cày và các công cụ lao động phục vụ sản xuất bao gồm thuế GTGT thì lúc bán sản phẩm đáng lẽ họ phải được hoàn trả lại khoản thuế đó để làm giảm giá trị đầu vào đã mua, song trên thực tế họ lại không được hoàn trả khoản thuế đó. Thế thì làm sao gọi là miễn được?

Đối với doanh nghiệp nông nghiệp cũng vậy. Khi nông dân đưa nguyên liệu vào chế biến và tạo ra sản phẩm, tức là nguyên liệu đó đã được miễn thuế GTGT rồi, thì doanh nghiệp bán ra thị trường sẽ đóng phần thuế GTGT từ nguyên liệu đó trở đi. Doanh nghiệp phải chịu thuế cho phần này là đúng, nhưng họ lại phải chịu toàn bộ thuế GTGT thêm một lần nữa ở đầu ra, có nghĩa là họ đóng thay cho nông dân.

- Thế còn Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, thường gọi là chính sách “liên kết bốn nhà”, có cần xem lại?

- Rất cần. Theo tôi, nó không khả thi vì không có nhà khoa học nào muốn tặng không phát minh tốn bao công sức nghiên cứu cho người nông dân cả, trong khi chính nông dân cũng không có khả năng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một công trình như vậy. Vì thế, vai trò của doanh nghiệp chính là tạo cầu nối dẫn dắt nhà khoa học và nông dân đến với nhau.





Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường