Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi tiểu thương chợ giành lại khách hàng
09 | 09 | 2008
Sự ra đời của những cửa hàng bán lẻ tiện ích, siêu thị, cửa hàng đại lý của các công ty đã phần nào lấy bớt khách hàng của chợ. Để tồn tại, các tiểu thương phải giành lại khách hàng bằng nhiều cách
Sạp quần áo thời trang Huệ ở chợ Bến Thành luôn có doanh thu cao hơn các bạn hàng chung quanh.

Các quầy sạp biết rằng trước khi cân nhắc mua, khách hàng cũng cần dạo một vòng xem hàng trước. Ảnh: B.N

Cộng thêm nhiều dịch vụ

Thành công của Huệ là nhờ các dịch vụ cộng thêm. Mỗi sạp đều có buồng cho khách thử quần áo, có kính cao cho khách ngắm toàn dáng người. Từng khách đến mua đều có nhân viên phục vụ riêng, nếu sạp quá đông thì khách được mời ngồi chờ tới lượt để được phục vụ chu đáo hơn. Nhân viên kiên nhẫn mời khách thử từng bộ quần áo cho đến khi vừa ý mới thôi. Sau khi chỉnh sửa quần áo cho vừa dáng người, khách có thể lấy hàng trong vòng 10 – 20 phút.

Khá nổi tiếng ở chợ An Đông mới (An Đông Plaza) là quầy mỹ phẩm An. Trước khi bán cho khách hàng một sản phẩm dưỡng da, ông An - chủ sạp luôn kiểm tra da, hỏi thăm kỹ lưỡng chế độ ăn uống, điều kiện làm việc cũng như thói quen chăm sóc da trước đó. Ông muốn giúp khách chọn đúng loại mỹ phẩm phù hợp. Trong trường hợp khách sử dụng gặp dị ứng hoặc không hợp đều có thể quay lại đổi loại khác.

Chính những dịch vụ cộng thêm đã giúp tiểu thương giữ khách và tạo thêm cơ hội mở rộng kinh doanh. Từ sạp đơn hoặc sạp đôi, họ có thể mở thành chuỗi 5 – 7 sạp, có khi đến cả chục sạp như sạp Ông Hai, sạp Huệ – Nguyễn Huệ, sạp Hùng Nhàn, sạp Kim Cúc, sạp Minh Tâm... ở chợ Bến Thành, An Đông... Có người còn mở chi nhánh ra nhiều chợ khác nhau.

Đầu tư để tạo hình ảnh thân thiện

Những tiểu thương sống chết với nghề buôn bán lẻ đang phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư nhiều hơn để tăng diện tích trưng bày, tăng nguồn hàng cung cấp từ nhiều nơi, tuyển thêm nhân viên bán hàng giỏi...

Không chỉ dừng ở hình thức trang trí và thiết kế lại trong diện tích có sẵn của sạp bằng tủ kính, hộp đèn, quầy kệ..., những tiểu thương sống chết với nghề đang phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư nhiều hơn để tăng diện tích trưng bày, tăng nguồn hàng cung cấp từ nhiều nơi, tuyển thêm nhân viên bán hàng giỏi và tăng cả các dịch vụ miễn phí cho khách hàng.

Bà Ngọc Quỳnh, chủ sạp QN chợ Bến Thành nói: “Bây giờ, cửa hàng mọc ra san sát trên đường, thiết kế nội thất sang trọng, máy lạnh mát rượi, chỉ cần tấp vào là mua rất tiện. Nên muốn khách chấp nhận tốn thời gian gửi xe, không sợ nóng nực, chen chúc để lựa hàng, mình cần có nhiều mẫu đa dạng, cần bán với mức giá rẻ hơn cửa hàng. Ngoài ra, để thuyết phục được khách quay lại, còn phải tăng thêm dịch vụ ưu đãi như cho đổi trả tuỳ ý, sửa chữa miễn phí, giao hàng tận nhà...”.

Bà Quỳnh vừa tốn hơn 40 triệu đồng để làm mới sạp, trang bị thêm kính và quạt máy, “hy sinh” không gian giữa sạp vốn thường chất hàng cao ngút để có bộ bàn ghế cho khách ngồi ngắm và chọn các mẫu hàng được xếp chung quanh. Nhân viên của sạp luôn túc trực để chạy lấy hàng theo đúng kích cỡ khách chọn.

Kinh doanh sạp ở chợ không “nhỏ” hơn cửa hàng như nhiều người vẫn thường nghĩ. Tổng giá trị của số lượng hàng hoá, đầu tư cho trưng bày, dịch vụ của nhiều sạp đã lên đến vài tỉ đồng. Số nhân viên phụ việc ở các sạp này có khi lên đến cả chục người.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường