Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chợ tạm: Nỗi ngao ngán của tiểu thương Hà Nội
05 | 12 | 2008
Mất khách quen, không có khách mới, chợ tạm đã mở được 1 tháng mà không ít quầy còn đóng cửa im ỉm. Những tiểu thương cố gắng đi bán thì ngồi cả ngày không có người mở hàng. Có quầy trứng, 1 tháng chưa bán được 10 quả.
Theo lộ trình xây dựng chợ thành trung tâm thương mại của thành phố, hiện nội thành Hà Nội có ít nhất 3 chợ lớn là chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ 19/12 đã di chuyển được tất cả tiểu thương, ước khoảng 1.500 hộ ra chợ tạm. Trong đó, riêng tuyến phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) hiện đã trở thành “phố chợ tạm” khi có đến 2 chợ tụ họp tại đây.

Chợ quay lưng ra phố

Không ít người đi qua đường Phùng Hưng đã cho đây là các nhà kho chứ không nghĩ là một khu chợ dân sinh. Ảnh: N.N

Bất tiện nhất phải kể đến một phần của chợ 19/12 trước kia gồm các ngành hàng ăn uống, rau quả, lương thực, thực phẩm được xếp về ngồi đối diện nhau trong một diện tích chật hẹp, quay lưng ra đường Phùng Hưng. Nếu chạy xe trên đường, chỉ thấy một dãy ki-ốt bằng tôn kín mít, hẳn nhiều người sẽ không thể hình dung được trong đây lại là một khu chợ dân sinh.

Cũng vì các lối đi ở giữa chợ nhỏ hẹp, khấp khểnh giữa một bên là vỉa hè, một bên là đường, lại bị cản trở bởi hàng cây xà cừ lâu năm nên khách nhiệt tình vào chợ thường phải gửi xe ở ngoài với giá 3.000 đồng/lượt. Ngay cả nhiều tiểu thương ở đây, nếu chưa đăng ký gửi vé tháng với mức 100.000 đồng thì chỉ ra vào 2, 3 lần/ngày, tiền gửi xe của họ cũng ngót 10.000 đồng.

Mặc dù chợ tạm này đã mở được 1 tháng nhưng quan sát tầm cao điểm là lúc 16, 17h chiều, khách hầu như không có; chiếm đến 40–50% ki-ốt đóng cửa. Chỉ tính mặt hàng thịt quay, trước ở chợ 19/12 có cả thảy 3 hàng, nay chỉ có 1 hàng của chị Mai mở mà cầm cự cũng không bán được.

Gặp chị Hoàng Kim Hưng, chủ ki-ốt 232 chuyên doanh trứng gia cầm, gạo, đậu đỗ các loại tại đây, chị ngao ngán: “Từ sáng tới giờ chưa mở hàng, không ai hỏi mua. Gần tháng nay chưa bán được hết 10 quả trứng”.

Ra chợ tạm được 1 tháng, hàng loạt ki-ốt vẫn đóng cửa vì “đi chợ còn lỗ hơn ở nhà” - Ảnh: N.N

Ngày không kiếm được một đồng, có hôm chị cố ngồi đến 18h xem có khách nào vào mua vớt vát nhưng cũng không có. “Giờ ở nhà cũng chết mà đi chợ thì dù ăn suất cơm rẻ mạt nhất là 12.000 đồng, uống 1 cốc nước chè 1.000 đồng, rồi tiền xăng, gửi xe, điện nước, vệ sinh… ngày cũng "âm" mất mấy chục nghìn” – chị nói.

Chủ hàng cơm duy nhất mở cửa, đối diện ki-ốt của chị Hưng cũng thêm vào: “Chợ chỉ thấy cây là cây. Hàng cơm ngày bán được mười mấy suất thì chết hẳn”.

Cầm hộp card đề tên, địa chỉ, số điện thoại của cửa hàng từ hồi còn ở chợ 19/12, chị Hưng kể, dự định về chợ mới sẽ in thêm để giới thiệu với khách lạ nhưng bây giờ chẳng còn hy vọng, chẳng muốn in card làm gì nữa.

Ngay cả cửa hàng Liên Hoa, trước một quầy nằm ngay mặt tiền chợ 19/12 phía đường Hai Bà Trưng, vốn kinh doanh rất phát đạt hàng thực phẩm, rau củ quả tươi, khô, mà về đây chủ cửa hàng phải thốt lên hai từ “rất chán”.

Ki-ốt mở cửa kinh doanh chỉ vì phục vụ những mối hàng lớn, vậy mà mọi thứ vẫn ngổn ngang, bề bộn - Ảnh: N.N

Kinh doanh ngót 20 năm, có lượng khách quen đông đảo nhưng nay con số này đã rơi rụng mất 1 nửa vì đường xa. Thêm vào đó, chưa kể các chợ cóc tiện lợi ở các phố nhỏ, khu vực này lại rất gần chợ đầu mối rau quả Long Biên, rồi chợ Đồng Xuân.

Đã vậy, “chợ tạm 19/12 ở Phùng Hưng lại chia làm 2 dãy. Dãy này lại nằm úp mặt vào trong, khách có ra tìm mấy ngày cũng không thấy” – bà chủ chao chát.

Hàng họ vẫn ngổn ngang. Rau quả sắp cho các mối quen phải xếp chồng chất trước cửa. Chủ cửa hàng Liên Hoa cho biết, về đây mất đứt lượng khách lẻ vốn trước kia chiếm đến 50% doanh thu. Đây cũng là lượng tiền mặt chủ yếu để quay vòng mà nay “không có tý nào”.

Cũng theo phản ánh của các tiểu thương, do không có đầu ra, đi buôn không đủ tiền ăn trưa, nhiều hộ đã rao cho thuê lại ô với giá 300-400.000 đồng/tháng.

Chợ trên đường 1 chiều

Cũng nằm dọc góc trái đường Phùng Hưng, mặc dù được quay mặt ra đường nhưng dãy ki-ốt chợ tạm cho các tiểu thương chợ Hàng Da lại phần lớn thuộc đoạn đường 1 chiều.

17h, các tiểu thương ngành hàng khô ở đây đã nhấp nhổm, đứng ngồi không yên; nửa muốn dọn hàng về, nửa muốn nán lại trông ngóng.

Tan tầm, chợ tạm Hàng Da trên con đường 1 chiều Phùng Hưng vắng khách - Ảnh: N.N

Mới chuyển ra được vài ngày nay, xác định là ngồi ngắm người qua lại “cho vui” nhưng chị Phương, chủ ki-ốt Phương Vinh chuyên hàng khô tại đây không những không vui mà còn cảm thấy “phát rồ” khi cả ngày không có khách nào hỏi mua.

Chị cho biết, ngày đầu tiên cũng may có người tới mở hàng được 1.000 đồng. Cả ngày thứ hai bán được 12.000 đồng.

Ngay cả chợ tạm của chợ Mơ nằm xung quanh khu vực ao Lim, đường Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, dù đường đi lối lại khá thông thoáng nhưng hơn tháng nay, buôn bán ế ẩm, rất nhiều hộ vẫn khóa cửa quầy, nghỉ bán.

Giới kinh doanh chung quan điểm, nếu mới ra chợ tạm, khách chưa quen nên ế ẩm thì vẫn còn hy vọng, nhưng đáng lo ngại nhất là đường sá, đi lại bất tiện thì kể cả có quen chợ, khách cũng không muốn qua.

Trường hợp chợ nằm trên đường 1 chiều, tù túng khiến các tiểu thương không kinh doanh nổi, phải bỏ chợ không phải bây giờ mới xảy ra.

Tại Hà Nội, sau nhiều năm kêu cứu vì chợ chỉ có lối vào mà không có lối ra, đường vào chợ là đường 1 chiều, các phương tiện rẽ ngược đều bị bắt phạt, hiện 2/3 số tiểu thương trong chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã bỏ chỗ chạy ra phố Chính Kinh bên cạnh để buôn bán tạm bợ, vì quá vắng khách.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường