Hôm qua (4-12), tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và tìm giải pháp bình ổn giá mặt hàng này tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Có nhiễm melamine nhưng dưới chuẩn
Đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản công bố kết quả kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản trong tháng 10-2008. Theo đó, trong 18 mẫu của doanh nghiệp đưa đi kiểm nghiệm có tám mẫu chứa melamine.
Đáng chú ý có 120 tấn lô bột cá nguyên liệu của Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO) nhập từ Trung Quốc bị nhiễm melamine với hàm lượng 0,63%-0,86%. Từ số nguyên liệu nhiễm melamine này, CATACO đã sản xuất thức ăn cho cá da trơn và bán ra hơn 1,2 tấn tại thị trường các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp. Hiện toàn bộ số hàng nhiễm melamine đã được đoàn kiểm tra yêu cầu công ty thu gom và niêm phong chờ xử lý.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết tám doanh nghiệp qua đợt kiểm tra sản phẩm có chứa melamine nhưng hàm lượng đều dưới ngưỡng 2,5 mg/kg theo quyết định ngày 28-11-2008, do đó coi như không có melamine. Ông Phương khẳng định hiện chưa một doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản nào có chứa melamine vượt mức cho phép. Sắp tới, dựa vào mức chuẩn mới, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra lại. Doanh nghiệp nào vượt mức sẽ bị công bố rộng rãi.
Nhìn nhau để hạ giá!
Tại hội nghị, vấn đề được các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cá tra, ba sa quan tâm đến là giá thức ăn chăn nuôi tại sao không giảm khi hiện nay giá nguyên liệu đầu vào đang giảm mạnh.
Thứ trưởng Lương Lê Phương kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn hãy nhanh chóng giảm giá để chia sẻ khó khăn với người nuôi và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản.
Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi này, ông Mai Văn Hoàng - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Grobest cho biết: “Chậm nhất phải đến tháng 1-2009 giá mới giảm được bởi nguyên liệu chế biến dự trữ được công ty mua khi giá còn cao và hiện nay lượng hàng tồn còn nhiều”. Ngoài ra, theo ông Hoàng, có muốn giảm doanh nghiệp của ông cũng không dám giảm bởi liệu doanh nghiệp khác có giảm giá theo hay không. Đại diện Công ty TNHH Cargill cũng cho biết chậm nhất đến tháng 4-2009 mới giảm giá thức ăn thủy sản được do hàng tồn kho nhiều.
Trong khi các “đại gia” còn chần chừ thì các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản hứa sẽ giảm giá. Cụ thể như Công ty Thức ăn chăn nuôi Bạc Liêu hứa chắc trong thời gian tới sẽ giảm giá thức ăn cho chăn nuôi thủy sản từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.
Chính vì sự thiếu thống nhất trong việc giảm giá nên tại hội nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn đã đề xuất thành lập hội sản xuất thức ăn thủy sản. Đề xuất này được ông Phương nhiệt tình ủng hộ và cho biết chậm nhất trong tháng 1-2009 sẽ xong đề án thành lập hội. Sau khi ra đời, hội sẽ xem xét việc tăng giảm giá thức ăn để hỗ trợ kịp thời người dân nuôi trồng thủy sản.
Doanh nghiệp kinh doanh thủy sản còn nhiều sai sót Kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT còn chỉ ra nhiều sai sót của các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản. Theo đó, có 3/18 doanh nghiệp được kiểm tra chưa đánh giá hay có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 6/18 doanh nghiệp chưa đảm bảo thời gian lưu mẫu theo quy định, chưa ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu; 5/18 doanh nghiệp chưa có quy định về bảo quản, kiểm tra nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất. |