Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gùi lương thực cứu trợ vùng cao
05 | 12 | 2008
Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều huyện vùng cao của Quảng Nam đến nay vẫn còn bị cô lập, hàng ngàn hộ dân và học sinh phải sống trong cảnh đói rét

Đến 17 giờ ngày 4-12, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Nam Trà My - Quảng Nam vẫn chưa có thêm thông tin gì về tình hình thiệt hại, đời sống của hàng ngàn người dân và các học sinh tại 7 xã bị cô lập do đợt mưa lũ kéo dài hơn nửa tháng nay.

Nhiều nơi sạt lở

Ông Trần Văn Mẫn, Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Trà My, cho biết lương thực, thực phẩm cứu trợ chỉ mới cấp cho những hộ dân tại vùng ven khu vực trung tâm huyện tại Tắcpỏ, xã Trà Mai. Phương án hiện nay vẫn là gùi gạo cứu đói cho người dân ở những nơi bị cô lập do sạt lở núi, nhưng vẫn chưa thể triển khai được. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, nhiều thôn, nóc cách trung tâm huyện trên 30 km nên việc gùi hàng cứu trợ là không hiệu quả.

Tại huyện vùng cao biên giới Tây Giang, mưa lũ đã làm cho nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở và hư hỏng nghiêm trọng. Các tuyến đường Azứt (xã Bhalêê) đi các xã Lăng, Trhy, Axan, Gary, Chơm có đến hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Theo ông Bhling Mia, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, các tuyến đường này đang được khẩn trương khắc phục, song đến nay vẫn lầy lội, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, làm chậm việc vận chuyển hàng hóa cũng như hàng cứu trợ lên các xã vùng cao.

Cô giáo Lê Thị Kim Vân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, cho biết mưa lũ kéo dài làm cho 500 học sinh đang ở khu nội trú của trường tại xã Atiêng cũng bị cô lập với gia đình. Lương thực các em mang theo trọ học cũng đã cạn kiệt. Theo cô Vân, khu vực sân trường này hiện cũng bị sạt lở nghiêm trọng, mương thoát nước bị hư hỏng nhiều đoạn. UBND huyện Tây Giang vừa hỗ trợ cho Trường THCS xã Dang (tại Kala-Alua, thuộc khu tái định cư Thủy điện Avương), để triển khai di dời và sắp xếp chỗ ở mới cho giáo viên và học sinh. Hiện chỗ ăn ở của học sinh và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, nhà công vụ giáo viên của trường đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần di dời.

Một chuyến xe ôm mất 1,5 triệu đồng

Đường về các xã Phước Chánh, Phước Thành, Phước Hiệp của huyện Phước Sơn cũng bị sạt lở nặng do mưa lũ vừa qua. Các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực tại các thôn bản nơi đây khan hiếm và tăng giá đến gấp đôi ngày thường. Phương tiện đi lại chủ yếu ở đây là xe ôm, nhưng giá cũng trên trời. Nếu đi từ thị trấn Khâm Đức vào Phước Thành vài chục cây số, đi một chuyến xe ôm phải mất 1,5 triệu đồng!

Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đang huy động các lực lượng để túc trực cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là khu vực miền núi. Do đường giao thông bị sạt lở nặng, các phương tiện không thể đưa hàng cứu trợ lên các xã vùng cao bị thiệt hại nặng. Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ ở địa phương gùi cõng hàng cứu trợ cho dân. Theo ông Đinh Văn Thu, với khối lượng lớn đất đá sạt lở và mưa lũ chia cắt, thì 10 ngày nữa các tuyến đường về các xã vùng cao Nam Trà My và Tây Giang mới thông tuyến.

Vợ chồng chết do tắc đường không cấp cứu kịp

Dù mưa lũ đã tạnh, song đến nay, các tuyến đường về 7 xã vùng sâu, vùng cao huyện Nam Trà My – Quảng Nam vẫn còn bị cô lập hoàn toàn.

Do đường về các xã không đi lại được, nên vào lúc 6 giờ ngày 3-12, bà Hồ Thị Nga, 52 tuổi, người dân tộc Co Dong, trú tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, bị bệnh, nhưng đã chết trên đường khiêng ra trung tâm huyện cấp cứu. Trước đó, ngày 1-12, chồng bà Nga cũng bị bệnh, do nước suối lớn không thể đưa đi cấp cứu kịp nên đã thiệt mạng



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường